Họp báo Chính phủ: Giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm

04/11/2018 06:45

Đại diện Chính phủ, các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí, giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)


Tại họp báo Chính phủ chiều tối 3.11, đại diện Chính phủ, các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến lộ trình cho sách giáo khoa mới, định hướng của Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm học 2018-2019, dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quãng Ngãi, vụ lấn chiếm đất rừng ở Sóc Sơn, giải quyết vấn nạn chèo kéo, trấn lột du khách nước ngoài ở khu vực hồ Hoàn Kiếm...

Về vụ vi phạm sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, năm 2006, Thanh tra Chính phủ có kết luận về vi phạm sử dụng đất rừng, xây dựng trên đất rừng tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Đến thời điểm hiện tại, sau 12 năm việc thực thi kết luận của Thanh tra Chính phủ vẫn chưa được tiến hành một cách nghiêm túc. Nhiều công trình vi phạm vẫn mọc lên tại Sóc Sơn như các cơ quan báo chí đã phản ánh vừa qua.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, từ thời điểm năm 2006 đến nay đã có nhiều nội dung trong kết luận thanh tra được triển khai. Song vẫn phải đánh giá khách quan là còn một số nội dung xử lý chưa triệt để.

Báo chí cũng đã nêu đặc biệt là xử lý những công trình xây dựng nhà hàng, các khu vui chơi giải trí... là chưa triệt để. “Vì thế, thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định các đơn vị thanh tra tiến hành thanh tra trên cơ sở chấn chỉnh lại, phát hiện ra những vi phạm, đồng thời là kiểm tra đôn đốc các cấp việc chấp hành việc chấp hành từ thành phố tới huyện. Với trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thậm chí kiểm tra, đôn đốc Hà Nội tiến hành,” ông Bùi Ngọc Lam khẳng định.

Theo ông Lam, khi UBND TP Hà Nội có kết luận chính thức về những vi phạm sử dụng đất đai tại Sóc Sơn, UBND TP Hà Nội sẽ có công văn thông báo và Thanh tra Chính phủ sẽ đôn đốc triển khai xử lý bảo đảm theo đúng quy định.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trả lời các nhà báo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)


Cũng tại Họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết về thời gian thực hiện lộ trình sách giáo khoa mới, Chính phủ đã quyết định thực hiện tinh thần Nghị quyết 51 của Quốc hội ban hành ngày 21.11.2017.

Theo lộ trình này, thời gian thực hiện lộ trình chậm nhất là năm học 2020-2021 đối với lớp đầu tiên của cấp Tiểu học; năm học 2021-2022 với lớp đầu tiên của cấp Trung học cơ sở và năm học 2022-2023 với lớp đầu tiên của cấp Trung học phổ thông. 

Về định hướng của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm học 2018-2019, Chính phủ đã kết luận, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục khó khăn, hạn chế khuyết điểm, tồn tại của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm học 2017-2018, từ đó thực hiện tốt Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm học này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ và thực hiện phương án tổ chức kỳ thi theo tinh thần giảm áp lực, khó khăn với người học; đảm bảo đánh giá đúng chất lượng, năng lực của học sinh.

Cùng trả lời vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết vấn đề lộ trình của sách giáo khoa mới và Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về việc Thành ủy, UBND TPHồ Chí Minh đề xuất miễn học phí cho học sinh khối Trung học cơ sở các trường công lập của thành phố, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đề xuất của TP Hồ Chí Minh thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, UBND TPHồ Chí Minh đến công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt ở cấp Trung học cơ sở. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị TP Hồ Chí Minh lui lại đề xuất này để khi có Luật Giáo dục sửa đổi sẽ thực hiện theo luật.

Xung quanh dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi gây nhiều bức xúc trong xã hội thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm không chỉ của riêng Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư, mà còn cả các cơ quan bên dưới như tư vấn giám sát của các nhà thầu, trách nhiệm các cá nhân.

Trả lời câu hỏi về việc lãnh đạo Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi thừa nhận dự án chỉ đạt 6/10 điểm, trong khi đó số vốn lên tới 34.500 tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng việc xác định tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như kiểm tra chất lượng công trình đã có quy định kỹ thuật và phải có thí nghiệm minh chứng. Còn việc đánh giá định tính không có cơ sở để xác định.

Về gói thầu A5 của dự án và có hay không việc bán thầu của nhà thầu chính là Posco cho 18 công ty khác, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay quy định của nhà tài trợ và hợp đồng mẫu có quy định nhà thầu chính có thể có các nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ có thể được xác định ngay trong quá trình bỏ thầu của nhà thầu chính, cũng như trong quá trình thi công những hạng mục, phần việc có thể thuê các nhà thầu phụ, nhưng trách nhiệm vẫn thuộc nhà thầu chính, bao nhiêu nhà thầu phụ thuộc vào các hạng mục. 

Liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của Cục quản lý xây dựng và chất lượng Giao thông vận tải đối với dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định Bộ là cơ quan chủ quản đầu tư, chủ đầu tư là VEC và trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan chủ quản đã được quy định rất rõ ở luật và các nghị định liên quan. Với trách nhiệm của cơ quan chủ quản, Bộ giao cho Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông vận tải là cơ quan tham mưu, quản lý về tiến độ, chất lượng chung của dự án giao thông, trong đó có dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Trả lời báo giới về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đang được Bộ Công an lấy ý kiến rộng rãi, Thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết quy định về việc lưu trữ và đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam trong Luật An ninh mạng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bốn vấn đề được Thiếu tướng Lương Tam Quang đưa ra để khẳng định điều này, đó là đã có 18 quốc gia thế giới có văn bản, luật quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ... Ngày 25.5, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực và cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình; các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3 và nếu vi phạm thì mức phạt có thể lên đến 20 triệu euro hay 4% doanh số của toàn cầu.

Thứ hai, điều này phù hợp với khả năng của doanh nghiệp vì Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook đặt khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google và Facebook đã đặt văn phòng đại diện tại Singapore, Indonesia và Malaysia.

Thứ ba, phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó các Luật Thương mại 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài là phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google và Facebook đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Thứ tư, theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, quy định này không trái với các cam kết quốc tế.

Liên quan đến Luật An ninh mạng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng cùng với vấn đề an ninh lương thực, an ninh trật tự an toàn xã hội, an ninh mạng nằm trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, được nâng lên hàng đầu, nhằm bảo đảm môi trường tốt để thu hút đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng nghị định này là hết sức cẩn trọng, cân nhắc và Thủ tướng cũng đặt vấn đề sẽ thực hiện theo quy trình Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp.


Trả lời về hiện tượng “chặt chém” khách du lịch tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết 10 tháng đầu năm, Việt Nam đạt con số là 12,8 triệu lượt khách quốc tế. Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch quyết tâm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2017, Việt Nam có 13 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, năm nay đang cố gắng đạt mục tiêu 15 triệu lượt khách.

“Về hiện tượng chặt chém, chèo kéo khách ở chỗ này hay chỗ khác, khi nhận được thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo thành phố Hà Nội đảm bảo an toàn cho khách du lịch, không để xảy ra tình trạng "chặt chém," giật đồ, ép giá... Hà Nội tăng cường quản lý tốt hơn, tránh tình trạng chèo kéo khách,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họp báo Chính phủ: Giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm