Hồng Đức (Ninh Giang) đã có nhiều giải pháp để quyết tâm cán đích trở thành xã nông thôn mới trong năm nay.
Người dân xã Hồng Đức chú trọng phát triển kinh tế, qua đó tạo tiềm lực xây dựng nông thôn mới
Nâng cao thu nhập Là xã thuần nông nhưng phần lớn diện tích đất canh tác ở Hồng Đức lại là vùng chua, trũng, hiệu quả kinh tế không cao. Mặt khác, người dân trong xã hầu như không làm thêm nghề phụ, xã lại ở xa trung tâm nên không thu hút được doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất tại địa phương. Vì vậy, đa số người dân trong xã có mức sống thấp. Vật chất khó khăn kéo theo đời sống tinh thần nghèo nàn, lạc hậu.
Nhận thức được điều này, chính quyền xã xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) trước tiên không phải là dồn sức xây dựng cơ sở hạ tầng mà là tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do đặc thù của đồng đất nên từ lâu nhiều hộ dân trong xã đã tận dụng những diện tích ruộng trũng để đào ao thả cá. Mặc dù giá trị kinh tế cao hơn cấy lúa nhưng vì làm nhỏ lẻ nên chi phí đầu vào cao mà lợi nhuận thu về không như mong đợi. Khắc phục thực trạng này, xã đã lên phương án dồn điền, đổi thửa nhằm hình thành các vùng sản xuất tập trung. Lúc đầu, người dân nhất quyết không đồng thuận vì lo ngại nhận phải ruộng xấu, ruộng xa và nghi ngờ việc thực hiện sẽ không bảo đảm công khai, minh bạch. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền xã yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện trước để làm gương, đồng thời kêu gọi những cá nhân có tiếng nói và uy tín trong dân đứng ra vận động, thuyết phục. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, các xứ đồng đã được chỉnh trang, phân lô, phân vùng lại. Khu đồng trũng được chuyển đổi thành vùng nuôi thủy sản, còn những chân ruộng cao thì thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Nhận thấy hiệu quả mà dồn điền, đổi thửa mang lại, nông dân tập trung đầu tư, phát triển các loại hình kinh tế, nhiều hộ nhạy bén chuyển hướng sang kinh doanh, làm dịch vụ để tăng thêm thu nhập. Do đó, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt hơn 10 triệu đồng thì đến năm 2015 đã tăng lên gần 22 triệu đồng và năm 2016 ước đạt hơn 31 triệu đồng.
Đời sống của người dân trong xã được nâng lên nên việc vận động xã hội hóa xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh tại xã cũng không quá khó khăn. Trong 5 năm qua, xã đã huy động được khoảng 20 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Đối với nhiều địa phương, tiêu chí thủy lợi, giao thông là bài toán khó thì ở Hồng Đức, nhân dân hăng hái đóng góp tiền của, ngày công lao động và tình nguyện hiến đất làm đường. Đến nay, các tuyến đường giao thông của xã đều được trải bê tông, các công trình thủy lợi đều phát huy hiệu quả.
Chăm lo đời sống tinh thầnKhông chỉ quan tâm nâng cao đời sống vật chất cho người dân, xã còn chú trọng đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang tại các thôn và trang bị đầy đủ bàn ghế, hệ thống âm thanh, chiếu sáng, sân khấu ngoài trời nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Tại đây, người dân được tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, phòng tránh bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống… Vì thế, nhiều năm liền cả 4 thôn của xã đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa, an ninh trật tự tại các khu dân cư được bảo đảm. Đây cũng là nơi để người dân đóng góp quan điểm, ý kiến cho các vấn đề chung của toàn xã. Mọi công việc đều được thảo luận, bàn bạc công khai nên người dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền.
Xã còn ưu tiên mua sắm các thiết bị y tế hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Bởi vậy, những năm qua, Trạm Y tế xã Hồng Đức là địa chỉ được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Hồng Đức còn là một trong những địa phương đi đầu của huyện Ninh Giang về phát triển giáo dục. Xã có trường tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, trường mầm non đang xây dựng cơ sở tập trung.
Ông Nguyễn Quý Chiều, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bằng sự nỗ lực của chính quyền và sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, Hồng Đức đã có nhiều bứt phá trong xây dựng NTM. Lúc mới triển khai xã chỉ đạt 6 tiêu chí, nằm ở nhóm cuối của huyện nhưng đến nay xã đã hoàn thành 16 tiêu chí, 3 tiêu chí còn lại đã thực hiện được hơn 80% công việc. Có được thành công này, ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, xã còn linh hoạt đề ra các giải pháp nhằm phát huy tối đa nội lực của địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích trong năm nay, đồng thời giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.
PV