Hội làng tôi năm nay mở nhằm đúng ngày kỵ của thành hoàng. Thành hoàng làng tôi không phải văn quan, võ tướng, lại càng không phải người đỗ đạt cao.
Hội làng tôi năm nay mở nhằm đúng ngày kỵ của thành hoàng. Thành hoàng làng tôi không phải văn quan, võ tướng, lại càng không phải người đỗ đạt cao. Tương truyền ngài chỉ là một người nông dân bình thường nhưng có công dựng ấp mở làng, đào sông lấy nước tưới cho ruộng đồng. Ba năm con sông mới đào xong. Phải chăng vì thế mà hội làng tôi ba năm mới mở một lần và mỗi lần cũng chỉ mở đúng ba ngày?
Đoàn rước xuất phát từ đền thờ thành hoàng. Những chiếc kiệu lớn nhỏ sơn son thếp vàng rực rỡ được nam thanh nữ tú khiêng trên vai. Sau tiếng hô “Khởi kiệu” của chủ tế, đoàn người xếp hàng tuần tự tiến ra bờ sông. Phường bát âm cử hành nhạc điệu lưu thủy rộn rã. Hai bên đường dân làng bày nhang án dâng hương bái vọng. Hàng cây ven đường đã kịp hút nhựa, đã kịp nảy mầm. Trời chơi vơi, nước chơi vơi. Ruộng đồng cỏ cây cũng chơi vơi. Một chiếc thuyền nhỏ được trang trí cách điệu như thuyền rồng chở một chàng trai khôi ngô tuấn tú ra giữa sông, chọn điểm trong nhất, tinh khiết nhất múc đầy cái bình nhỏ mang vào đặt lên kiệu rước về. Đường từ sông về đền chẳng bao xa, nhưng đoàn rước nước thường diễu hành qua mọi con đường của làng cho thêm phần vinh hiển.
Sau lễ rước ai cũng nói cười hể hả. Những bàn tay chai sạn nắm chặt nhau như trao nhau cả mùa xuân hoa nở bướm bay. Vì sao có hiện tượng lạ như thế? Tôi không biết. Mẹ tôi bảo: “Đừng nghĩ đó là dị đoan mê tín. Mà đó là sự hiển linh của ngài hộ quốc hộ dân”. Có lẽ mẹ tôi nói đúng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, khách thập phương, người làng tấp nập không lúc nào ngừng. Biển người ấy dập dìu, dập dìu trong sương mỏng giăng giăng. Những trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, bắt vịt, chơi đu... là thu hút khách đông nhất.
Người dân quê tôi mặc dù quanh năm vất vả vì miếng cơm manh áo nhưng muôn thủa dịu hiền, tâm hồn trong sáng trọn nghĩa vẹn tình với các bậc tiền nhân. Những bậc cao niên trong làng rất trân trọng, tự hào về quá khứ. Những năm tháng đào sông, mở làng ấy luôn in đậm trong ký ức mọi người. Ai cũng cảm nhận thấm thía, siết chặt cái tình người sống với người sống, người sống với người đã khuất. Để học lấy, để nhớ lấy cái ân cái đức của tiền nhân. Và để rồi truyền lại cho hậu thế mai sau. Thế hệ mai sau lại truyền cho thế hệ sau nữa, không có điểm dừng. Mặc dù đền thờ ngài không có một nét chữ, không một hình ảnh nhỏ nào của ngài. Tám trăm năm rồi còn gì. Cuộc sống hôm nay dù đổi thay nhiều nhưng công ơn lập ấp, đào sông của ngài mãi mãi vẫn là mênh mông như đại dương, thăm thẳm như trời xanh mây trắng, vô cùng vô tận như thời gian năm tháng.
Đó cũng là cái hồn cái vía của lễ hội làng tôi. Để người đi xa, để người ở gần luôn hiểu rằng cái gốc gác quê hương trong lòng mình chưa bao giờ sao nhãng.
Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN