Xét về số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất với 1.120.682 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với hơn 1 triệu ca, Bắc Mỹ là 929.459 ca trong khi châu Á là 846.191.
Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tangerang, Indonesia, ngày 17.7.2021
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8 giờ sáng 20.7, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 191.678.865 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,1 triệu ca tử vong.
Mỹ và Ấn Độ là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm. Mỹ có hơn 35 triệu ca và Ấn Độ là hơn 31 triệu ca. Tổng số ca tử vong của hai nước này tương đương 1/4 số ca tử vong trên thế giới.
Brazil đứng thứ ba thế giới với hơn 19,3 triệu ca nhiễm, song đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện đã lên tới 542.877 ca.
Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với số ca nhiễm đã lên tới hơn 59,2 triệu ca, châu Âu đứng thứ hai với hơn 50 triệu ca.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 41,4 triệu ca trong khi con số này ở Nam Mỹ là hơn 34,4 triệu ca.
Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất với 1.120.682 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với hơn 1 triệu ca, Bắc Mỹ là 929.459 ca trong khi châu Á là 846.191.
Khu vực châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại châu Phi hiện đã lên tới 6.314.582 ca, trong đó 159.041 ca tử vong. Các con số tương tự ở châu Đại Dương là 90.288 ca và 1.392 ca.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu
Tại châu Âu, Pháp đã chính thức công bố làn sóng dịch thứ tư, khi ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca mới trên 10.000 ca do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Chính phủ Pháp đang triển khai kế hoạch mới đối phó với tình trạng lây nhiễm COVID-19 gia tăng và giảm áp lực đe dọa “nhấn chìm” các bệnh viện một lần nữa.
Kế hoạch mới của Pháp có thể bao gồm một số biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh nghiêm khắc nhất tại châu Âu, như yêu cầu phải có chứng nhận y tế đối với những người đến các địa điểm tập trung đông người gồm nhà hàng và rạp chiếu phim, yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với nhân viên y tế.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune không loại trừ khả năng nước này sẽ tái áp đặt lệnh giới nghiêm nếu tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng.
Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận hơn 12.500 ca mới, ngày thứ ba liên tiếp số ca mới trên 10.000 trường hợp do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Tuy nhiên, xét đến thời điểm này, Nga là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất châu lục, với hơn 5,9 triệu ca nhiễm và 149.138 ca tử vong. Anh là nước bị ảnh hưởng thứ ba, sau Pháp, với hơn 5,4 triệu ca nhiễm và 128.727 ca tử vong.
Các nước châu Âu khác trong top 10 gồm Italy, Tây Ban Nha (đều hơn 4,1 triệu ca nhiễm), Đức, Ba Lan, Ukraine (đều hơn 2,2 triệu ca), Hà Lan và Cộng hòa Séc (hơn 1,6 triệu ca nhiễm).
Chính phủ Italy dự kiến áp đặt các hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng nhằm cố gắng ngăn chặn dịch tái bùng phát.
Từ ngày 26.7, những người chưa được tiêm phòng đầy đủ có thể bị cấm đi ăn bên trong các nhà hàng, quán bar và không được vào sân vận động, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, bể bơi và phòng tập thể dục.
Chính phủ Italy hy vọng nghĩa vụ phải xuất trình “thẻ xanh COVID-19,” chứng nhận đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, khi đi du lịch trong nước bằng tàu hỏa hoặc máy bay sẽ khuyến khích nhiều người đi tiêm chủng hơn.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) nước này đã đưa ra mức cảnh báo đi lại cao nhất đối với Anh vì số ca mắc COVID-19 gia tăng tại quốc gia châu Âu.
Cả hai cơ quan đều đưa Anh vào khuyến cáo đi lại “Mức 4,” qua đó khuyến cáo người dân Mỹ tránh đến quốc gia đồng minh thân cận này.
Thông báo của CDC nêu rõ: “Nếu bạn buộc phải đến Anh, hãy đảm bảo là bạn được tiêm vaccine đầy đủ trước khi khởi hành”, trong khi Bộ Ngoại giao nói: "Đừng đến Anh do dịch COVID-19."
Iran phong tỏa thủ đô Tehran
Tại châu Á, Chính phủ Iran đã quyết định phong tỏa thủ đô Tehran và tỉnh Alborz lân cận trong 1 tuần để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.
Đợt phong tỏa lần thứ 5 này kéo dài từ ngày 20-27.7.2021. Tất cả các văn phòng, khu thương mại, chợ, rạp hát, phòng tập thể thao và nhà hàng tại Tehran và Alborz sẽ phải đóng cửa.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran
Iran cũng đã lần đầu tiên phải đóng cửa hệ thống văn phòng chính phủ và ngân hàng trong một nỗ lực tăng cường các biện pháp chống dịch tại thủ đô Tehran và một tỉnh phụ cận trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng cao, gần chạm mức cao nhất từng ghi nhận.
Từ 18 giờ ngày 19.7 đến 8 giờ ngày 26.7, toàn bộ văn phòng chính phủ và hệ thống các ngân hàng tại Tehran và tỉnh Alborz sẽ đóng cửa; giao thông vận tải bằng ôtô đến và đi từ 2 địa phương nói trên đều bị cấm, trong khi các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao trên khắp cả nước cũng phải đóng cửa theo biện pháp mới ban hành.
Giới chức Iran cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm mới, chủ yếu do biến thể Delta.
Các số liệu báo cáo chính thức của Chính phủ Iran cho thấy trong 24 giờ qua, nước này có 25.441 ca nhiễm mới, gần bằng mức cao nhất ghi nhận 25.582 ca ngày 14.4. Số ca tử vong mới là 213 ca, riêng thủ đô Tehran có 92 ca.
Đến nay, Iran có hơn 3,5 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 87.370 ca tử vong.
Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á
Tại Đông Nam Á, Indonesia bị ảnh hưởng nhiều nhất với 2.911.733 ca nhiễm và 74.920 ca tử vong. Philippines đứng thứ hai với 1.513.396 ca nhiễm và 26.786 ca tử vong. Malaysia đứng thứ ba với 927.533 ca nhiễm và 7.148 ca tử vong.
Ngày 19.7, Indonesia đã tiếp nhận thêm 1.184.000 liều vaccine ngừa COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất để sử dụng cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong do các công ty tự chi trả.
Theo thỏa thuận ký kết với Kimia Farma, Sinopharm cam kết cung cấp tổng cộng 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Indonesia, chiếm 2/3 trong tổng số liều vaccine cung cấp cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong.
Sau khi bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn quốc miễn phí vào ngày 13.1.2021, Indonesia đã khởi động Gotong Royong hồi giữa tháng 5 vừa qua trong một nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và sớm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Châu Mỹ: Canada lên kế hoạch mở lại biên giới
Tại châu Mỹ, Argentina và Colombia đã ghi nhận hơn 4,6 triệu ca nhiễm, trong khi đó Peru và Mexico đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, Canada và Chile đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca.
Chính phủ Canada đang chuẩn bị hạ các hàng rào vốn được dựng lên ở biên giới để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, các công dân và thường trú nhân Mỹ đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phép nhập cảnh Canada kể từ ngày 9.8.2021.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Toronto, Canada
Sau đó, Canada sẽ mở cửa biên giới với tất cả du khách quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ từ ngày 7.9.
Các quan chức cho hay yêu cầu cách ly 14 ngày sẽ được miễn bắt đầu từ tuần thứ hai của tháng 8.2021 đối với những du khách đủ điều kiện hiện đang cư trú tại Mỹ và đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 - loại vaccine được chấp thuận sử dụng ở Canada.
Kể từ ngày 9.8, các sân bay ở Halifax, Quebec City, Ottawa, Winnipeg và Edmonton cũng sẽ được thêm vào danh sách các thành phố của Canada được phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế.
Những người đi máy bay sẽ không còn phải trải qua 3 đêm đầu tiên trong thời gian cách ly tại một khách sạn được chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, tất cả khách du lịch vẫn phải cung cấp kế hoạch kiểm dịch và chuẩn bị sẵn sàng để cách ly, trong trường hợp họ được xác định tại biên giới là không đáp ứng các yêu cầu cần thiết.
Theo Vietnam+