Hơn 108 tỷ đồng và hàng trăm nghìn thiết bị hỗ trợ học sinh khó khăn

15/10/2021 16:44

Sau hơn 1 tháng phát động "Máy tính cho em", chương trình đã nhận được số tiền tài trợ hơn 108 tỷ đồng; 12.000 máy tính và 100.000 thiết bị thông minh.

Hon 108 ty dong va hang tram nghin thiet bi ho tro hoc sinh kho khan hinh anh 1

Trao quà hỗ trợ máy tính cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang thiếu thiết bị học trực tuyến. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sáng 15.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận tài trợ (lần thứ nhất) chương trình "Máy tính cho em".

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết năm học 2021-2022 bắt đầu với muôn vàn khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều trường phải tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, các điều kiện bảo đảm cho học sinh học tập trực tuyến gặp phải những khó khăn, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Ngày 10.9, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức ký văn bản cùng phát động đến toàn thể cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành Giáo dục tham gia ủng hộ chương trình "Máy tính cho em" - nằm trong chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nhận thức được mục đích, ý nghĩa của chương trình, các trường học và từng cán bộ nhà giáo, người lao động đã tích cực quyên góp, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp máy tính, thiết bị học tập thông minh và tiền mặt cho chương trình.

Sau hơn 1 tháng phát động, chương trình đã nhận được số tiền tài trợ hơn 108 tỷ đồng; 12.000 máy tính và 100.000 thiết bị thông minh.

Theo số liệu báo cáo, đã có 54/63 Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố triển khai, huy động được 43 tỷ 224 triệu đồng do cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia ủng hộ; hơn 57 tỷ 952 triệu đồng huy động được từ các nguồn hỗ trợ khác; 12.550 máy tính và máy tính bảng; 16.234 điện thoại thông minh và 74.559 thiết bị hỗ trợ học tập khác.

Một số Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố đã triển khai cuộc vận động một cách hiệu quả như: Đồng Tháp (hơn 4,2 tỷ đồng); Bà Rịa-Vũng Tàu (gần 3,7 tỷ đồng); Bến Tre (hơn 2,5 tỷ đồng); Tây Ninh (hơn 1,6 tỷ đồng); Ninh Thuận (hơn 1,2 tỷ đồng); Đắk Lắk (hơn 1,2 tỷ đồng); An Giang (hơn 1,1 tỷ đồng)…

Các đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc đóng góp về tài khoản Công đoàn Giáo dục Việt Nam hơn 7 tỷ 238 triệu đồng.

Hiện chương trình tiếp tục được triển khai ở các tỉnh, thành phố, trường đại học.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp cũng nêu một số vấn đề phát sinh trong quá trình vận động, thực hiện chương trình. Đó là dịch bệnh kéo dài, một số tỉnh, thành phố, một số trường đại học đã huy động cán bộ, nhà giáo, người lao động ủng hộ nhiều đợt với số tiền lớn cho nhiều đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh. Điều đó dẫn đến một số đơn vị không thể triển khai cuộc vận động hoặc triển khai một cách khó khăn.

Ghi nhận sự đóng góp, chung tay của các đơn vị đối với chương trình “Máy tính cho em," Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết trọng trách của ngành giáo dục vận động các thầy cô, cán bộ quản lý, các nhà tài trợ ủng hộ cho chương trình là không dễ dàng do ngành giáo dục và các thầy cô cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhưng vượt qua khó khăn, các thầy cô đã chung sức cùng địa phương, tích cực tham gia chương trình, quyên góp máy tính để giúp học sinh có thiết bị học tập.

Sau hơn 1 tháng phát động, chương trình đã đạt được kết quả nhất định. Số thiết bị đạt chuẩn sẽ được chuyển trực tiếp đến 3 đối tượng là con hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Số còn lại chuyển cho các học sinh khó khăn khác.

Đồng hành cùng chương trình còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ mong muốn nghĩa cử cao đẹp này sẽ tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Hơn 108 tỷ đồng và hàng trăm nghìn thiết bị hỗ trợ học sinh khó khăn