Sông Cụt bị bồi lấp khiến hơn 100 ha lúa của nông dân thiếu nước, giảm năng suất...
Hơn 100 ha lúa ở các thôn Bá Thủy, Hợp Lễ, Bá Ðoạt và một phần thôn Cậy,
xã Long Xuyên (Bình Giang) thường xuyên thiếu nước
Sông Cụt đoạn chảy qua xã Long Xuyên (Bình Giang) đang bị bồi lấp khiến 3 trạm bơm phục vụ tưới tiêu nước cho hơn 100 ha lúa ở các thôn Bá Thủy, Hợp Lễ, Bá Ðoạt và một phần thôn Cậy thường xuyên thiếu nước để vận hành. Do không đủ nước tưới nên năng suất lúa giảm đáng kể, nông dân ở đây phải chịu nhiều thiệt thòi.
Sông Cụt thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải) quản lý. Con sông là mốc phân giới giữa 2 xã Long Xuyên và Trùng Khánh (Gia Lộc). Ðiểm cuối của sông Cụt thuộc địa phận các thôn Bá Lý (xã Long Xuyên) và Bá Ðại (xã Trùng Khánh). Năm 2000, UBND xã Trùng Khánh cho phép người dân thôn Bá Ðại chuyển đổi gần 30 ha đất trồng lúa bấp bênh sang đào ao nuôi thủy sản. Khi chuyển thành ao, người dân đã hút bùn từ ruộng xuống sông Cụt. Do khối lượng bùn đổ ra sông quá lớn, cộng với việc hằng năm người dân dọn ao lại bơm bùn ra sông nên đến nay hơn 1 km đoạn cuối của sông Cụt dần bị bồi lấp. Trước kia, lòng sông Cụt rộng 80 m, sâu khoảng 5 m nhưng nay nhiều đoạn lòng sông chỉ rộng 30 m, sâu 2-3 m. Vào mùa khô hoặc khi nước thủy triều xuống, nhiều đoạn trơ bùn, khô đáy.
Ông Lê Bá Trường, Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh xác nhận: “Việc bơm bùn ra sông Cụt đã diễn ra hàng chục năm nay. Chính quyền đã nhắc nhở người dân nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. UBND xã đã lập biên bản và xử phạt hành chính 3 trường hợp nhưng mức xử phạt nhẹ nên không đủ sức răn đe”.
Sông Cụt bị bồi lấp ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của xã Long Xuyên. Gia đình ông Nguyễn Văn Hát ở thôn Hợp Lễ có 5 sào lúa nhưng do thiếu nước nên lúa sinh trưởng, phát triển kém, năng suất giảm một nửa so với bình thường. Các giống lúa mà gia đình ông cấy như Bắc thơm, Q5 năng suất chỉ đạt trên dưới 1 tạ/sào. “Nếu trừ tất cả các loại chi phí thì mỗi sào tôi bị lỗ khoảng 300.000 đồng. Nếu cứ thiếu nước thế này vụ sau tôi tính bỏ ruộng để tìm việc làm khác”, ông Hát nói.
Trước kia, lòng sông Cụt rộng 80 m, sâu khoảng 5 m nhưng hiện tại do bị bồi lấp chỉ còn rộng 30 m, sâu 2-3m
Chưa tính đến bỏ ruộng như ông Hát, nhưng hơn 1 mẫu ruộng của gia đình ông Phạm Văn Ðãng ở thôn Bá Lý cũng không bảo đảm thu nhập, thậm chí bị lỗ vì năng suất lúa ngày càng giảm. Ông đã chuyển 3 sào lúa sang trồng ngô và hoa nhưng vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế vì nguồn nước tưới quá ít khiến 2 loại cây này cũng phát triển kém.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khuê, Bí thư Chi bộ thôn Bá Thủy có hơn 1,7 mẫu lúa nhưng cũng thường xuyên bị thiếu nước. Nhiều vụ, lúa đang làm đòng cần nước thì cả cánh đồng rộng khoảng 150 mẫu của thôn khô nứt nẻ. "Người dân bức xúc đã kiến nghị nhiều lần. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên xã nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết”, ông Khuê nói.
Ông Hoàng Hữu Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên cho rằng chỉ nạo vét hết lớp bùn bồi lấp sông thì mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu nước tưới. Nhưng đơn vị nào đứng ra nạo vét thì ông Bắc cũng không rõ vì sông Cụt do Công ty Bắc Hưng Hải quản lý, vượt quá thẩm quyền của xã.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Bắc Hưng Hải cho biết: "Sông Cụt thuộc đơn vị chúng tôi quản lý nhưng nguyên nhân bồi lấp lại do người dân xã Trùng Khánh đổ bùn xuống chứ không phải do tự nhiên nên trước mắt chính quyền địa phương phải chấn chỉnh ngay tình trạng này. Chúng tôi sẽ cử cán bộ chuyên môn xuống khảo sát và phối hợp với địa phương để xây dựng phương án nạo vét cụ thể".
Ðể nạo vét hết khối lượng bùn trên một đoạn sông dài hơn 1 km, sâu thêm hơn 2 m thì kinh phí sẽ lên đến 1 tỷ đồng. Ðề nghị UBND xã Trùng Khánh, Công ty Bắc Hưng Hải nhanh chóng triển khai thực hiện các phương án xử lý để trả lại dòng sông Cụt nguyên trạng như trước đây.
MAI LINH