Hơn 1 tỷ USD dạy nghề được cho bao nhiêu người?

08/07/2015 11:53

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV diễn ra sáng 8-7.


>>Cần có "tiêu chí 20" trong xây dựng nông thôn mới




Đa số đại biểu cho rằng các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay không hiệu quả, lãng phí
quá lớn tiền ngân sách nhà nước


Theo một số đại biểu, Đề án 1956 của Chính phủ dạy nghề cho lao động nông thôn đang bị lãng phí quá lớn. "Cần phải nói rằng, cơ quan nào tham mưu để xây dựng Đề án 1956 không bám sát thực tế. Số tiền hơn 1 tỷ USD (25.980 tỷ đồng) đã không phát huy hiệu quả, gây lãng phí cực lớn cho ngân sách nhà nước", một đại biểu đặt vấn đề.

Theo các đại biểu, việc các trung tâm dạy nghề mở ra hiện nay có thu hút được người học hay không là "cả một nghệ thuật". "Để mở được một lớp dạy nghề cần phải liên kết 4 nhà: nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân và chính quyền địa phương. Nhưng người có năng lực thì họ đi làm nhà nước hoặc các doanh nghiệp lớn đòi hỏi trình độ cao. Những người còn lại thì phần lớn là lao động lành nghề, họ học được cái gì từ những lớp này?", Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Nguyễn Kim Hoàn đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quảng (Kinh Môn) lại cho rằng, hiện nay đang "loạn" các trung tâm dạy nghề. Các trung tâm giáo dục thường xuyên với nhiệm vụ chính là dạy văn hóa nhưng nay không tuyển được học sinh cũng chuyển sang dạy nghề, một số sở cũng có trung tâm dạy nghề rồi đến các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... cũng có trung tâm dạy nghề. "Cần phải xem các trung tâm dạy nghề mọc ra như nấm là để làm gì, dạy được những ai ra làm được việc hay chỉ tiêu tiền của nhà nước", đại biểu Quảng nói.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là sự bất cập của Đề án 1956 khi danh mục các nghề được dạy cho lao động nông thôn cứng nhắc, không phù hợp. "Xin hỏi mở một lớp học thiến lợn thì lấy đâu ra lợn mà thiến. Trong khi đó những nghề rất thiết thực như dạy lái xe để người học có thể xin lái taxi, lái xe tải có thể kiếm được tiền ngay thì lại không có trong danh mục học nghề. Có lẽ các lớp dạy nghề này chỉ dạy cho những người không đi làm", một đại biểu bức xúc.

Đa số các ý kiến đều cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp cần tuyển lao động vì chính họ mới biết sẽ đào tạo cái gì cho người lao động. "Các doanh nghiệp may, doanh nghiệp điện tử họ tuyển lao động sau đó chỉ mất từ 5-7 ngày là đào tạo xong rồi làm luôn, chẳng mất đồng tiền nào của nhà nước, cần gì phải lớp này, lớp nọ học thời gian dài rồi có xin được việc đâu", Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Nguyễn Kim Hoàn nói. Theo nhiều đại biểu, các học sinh học nghề hiện nay chỉ với mục đích lĩnh 20.000 đồng hỗ trợ/ngày: "8 giờ đến lớp điểm danh để lĩnh tiền hỗ trợ. 9 giờ phần lớn đã bỏ lớp đi chợ hoặc làm công việc riêng thế thì hiệu quả gì".

Trước đó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương đã có báo cáo giám sát chuyên đề chỉ ra những bất cập rất lãng phí khi triển khai Đề án 1956 dạy nghề cho lao động nông thôn tại Hải Dương. Mặc dù đã chi tới gần 65,15 tỷ đồng cho công tác dạy nghề nhưng hiệu quả rất thấp. Nguyên nhân là chưa có chính sách thu hút những người có chuyên môn kỹ thuật, có tay nghề giỏi, các nghệ nhân vào làm giáo viên dạy nghề. Chưa thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động. Công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn còn hạn chế, lao động học nghề nông nghiệp có xu hướng giảm...

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh về công tác định hướng dạy nghề hiện chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm cho xã hội, gia đình nhất là học sinh tốt  nghiệp THCS, THPT, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề. Trong khi các trường nghề vắng học sinh thì trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn cử nhân đại học ra trường không tìm được việc làm hoặc phải giấu bằng đi làm việc không đúng nghề đào tạo, gây lãng phí lớn cho gia đình, xã hội và ngân sách nhà nước...

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 1 tỷ USD dạy nghề được cho bao nhiêu người?