Tính đến 6 giờ sáng 13.4, giờ Việt Nam, theo trang worldometers.info, trên thế giới có hơn 1,8 triệu ca nhiễm, hơn 114.000 người chết vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người dân Tây Ban Nha cổ vũ ngành y tế và cảnh sát từ ban công nhà mình vì những nỗ lực của họ trong dịch bệnh COVID-19. Ảnh: REUTERS
Có nhiều ca bệnh nhất thế giới là Mỹ. Sau đó lần lượt là các nước Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ.
Mỹ và Anh là hai nước có số ca mắc bệnh và tử vong mới cao nhất thế giới trong vòng 24 giờ qua.
Trong ngày 12.4, Mỹ có thêm 25.568 ca nhiễm mới và 1.414 người tử vong mới.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn nước Mỹ hiện nay là 558.447 trường hợp. Tổng số ca tử vong là 21.991 người.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, trả lời phỏng vấn CNN nhận định các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục có hiệu quả và cho biết Mỹ đã tìm cách hiệu quả hơn để phản ứng với virus trong trường hợp nó xuất hiện trở lại trong mùa thu.
Ông cũng xác nhận rằng về logic, nếu áp dụng giãn cách xã hội từ tháng 2 thay vì giữa tháng 3, Mỹ có thể bảo vệ nhiều người trước dịch bệnh.
Thánh lễ Phục sinh được tường thuật trực tiếp cho giáo dân ở nhà thờ St. Louis ở New Orleans, Mỹ. Ảnh: REUTERS
Theo BBC, trong ngày 12.4, Anh có thêm 737 người tử vong trong các bệnh viện, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh COVID-19 ở nước này lên 10.612 người. Cùng ngày, Anh có 5.288 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm virus của Anh hiện là 84.279 trường hợp.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thừa nhận 12.4 là một ngày ảm đạm và tương lai của virus là không thể đoán định.
Bác sĩ David Nabarro, đặc phái viên của Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết trên chương trình "Meet the Press" của kênh NBC rằng virus sẽ không biến mất hoàn toàn cho đến khi có vaccine chủng ngừa. Nói cách khác, loài người sẽ bị virus này rình rập trong một thời gian dài.
Số ca nhiễm virus mới của Tây Ban Nha trong ngày 12.4 tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca tử vong là 619 trường hợp và số ca nhiễm mới chỉ tăng lên 2,6% với 3.804 trường hợp. Tổng số ca tử vong của Tây Ban Nha do dịch bệnh COVID-19 là 17.209 và tổng số ca nhiễm virus là 166.831.
Với những bằng chứng là lệnh phong tỏa nghiêm ngặt áp dụng từ ngày 14.3 có hiệu quả, nhiều nhà máy và công trình đã chuẩn bị cho việc bắt đầu làm việc trở lại vào hôm nay 13.4.
Ở Pháp, tính đến rạng sáng 13.4, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 14.393 bệnh nhân (tăng 561 ca trong 24 giờ qua). Tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Pháp là 132.591 trường hợp, nhiều thứ 3 châu Âu, trong đó có 2.937 ca bệnh mới.
Bên cạnh 27.186 người đã khỏi bệnh và ra viện, Pháp ước tính hàng chục ngàn ca nhiễm virus khác đang phải tự cách ly và điều trị bệnh tại nhà.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối tháng 2 đến nay, Đức lần đầu tiên ghi nhận số người khỏi bệnh nhiều hơn tổng số người còn mắc bệnh. Số liệu thống kê của Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) cho thấy tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tính đến 6 sáng 13.4 (giờ Việt Nam) ở Đức là 127.574 trường hợp, trong đó có 60.300 người đã khỏi bệnh.
Trong ngày, Đức ghi nhận thêm 140 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên 3.011.
Theo Tuổi trẻ