UBND quận Tây Hồ ngày 25.4 đã ban hành Thông báo tổ chức lực lượng cưỡng chế bến cập du thuyền bị chìm đắm ra Hồ Tây. Thời gian thực hiện 8 giờ sáng 27.4.2023.
Theo đó, 8 giờ ngày 27.4.2023, UBND quận Tây Hồ tổ chức thực hiện cưỡng chế trục vớt, thanh thải tài sản bị chìm dắm (bến cập du thuyền), tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy, phường Nhật Tân của Công ty Cổ phần Sông Potomac ra khỏi Hồ Tây để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định số 88/QĐ-XPHC ngày 11.11.2022 và Quyết định số 117/QĐ-CCXP ngày 30.12.2022 về việc cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả.
Bến cập tàu đã bị chìm một phần trên Hồ Tây
UBND quận Tây Hồ yêu cầu Công ty cổ phần sông Potomac cử đại diện hợp pháp có mặt tại địa chỉ nêu trên để quận UBND quận Tây Hồ tổ chức cưỡng chế theo quy định pháp luật. Trường hợp công ty không cử đại diện hợp pháp đến vẫn thực hiện Quyết định cưỡng chế theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty cổ phần Sông Potomac cho biết, đây là thông báo lần thứ 4 của UBND quận Tây Hồ về việc trên gửi đến công ty. Các lần trước đại diện công ty đều có mặt nhưng UBND quận Tây Hồ không thực hiện mà cũng không hề có thông báo hay điện thoại.
“Trong cuộc họp với quận Tây Hồ, luật sư của Potomac đã nêu với phòng tư pháp quận Tây Hồ rằng, việc quận ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Sông Potomac 50 triệu đồng là sai luật, không áp dụng điều luật nào trong Luật đường thủy nội địa. Vì quyết định xử phạt sai sẽ không thể đủ điều kiện ra quyết định cưỡng chế tài sản của doanh nghiệp".đại diện Công ty cổ phần Sông Potomac nói.
Theo đại diện Công ty cổ phần Sông Potomac, đơn vị cũng có nội dung khiếu nại Quyết định số 88/QĐ-XPHC và Quyết định 117/QĐ-CCHC của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ. Nội dung khiếu nại cho rằng việc Chủ tịch UBDND quận có 2 Quyết định nêu trên để áp dụng với Công ty Cổ phần Sông Potomac là không đúng quy định pháp luật. Với lý do, việc áp dụng Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ là không chính xác. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 trong khi đó bến bến cập của Công ty bị chìm từ tháng 8/2018. Do vậy, nếu áp dụng trong trường hợp này phải căn cứ theo Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25.12.2015 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thông báo thụ lý khiếu nại gửi công dân chậm muộn.
Theo Ban quản lý dự án ĐTXD quận Tây Hồ (Hà Nội), hiện tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy, Hồ Tây còn 2 doanh nghiệp chưa chấp hành di dời. Cụ thể, Công ty cổ phần Sông Potomac có 1 sàn và 1 tàu, phần sàn hiện chìm cả đáy xuống bùn. Công ty cổ phần Nhà nổi Hồ Tây có 2 tàu là Nàng Tiên Cá và Taboo cũng chưa thực hiện di dời ra khỏi Hồ Tây.
Theo VOV