“Hồi xuân" cho đất

11/07/2016 05:53

Thời gian gần đây, đất trồng rau màu ở một số địa phương của huyện Gia Lộc có dấu hiệu suy kiệt do canh tác thiếu bền vững.




Nông dân huyện Gia Lộc học cách sử dụng phân vi sinh và các chế phẩm sinh học để
trồng rau tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm

Ðể “cứu" đất, huyện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.

Tìm bệnh


 "Mấy năm trước về Gia Lộc tôi rất ấn tượng với những cánh đồng trù phú phủ kín bởi màu xanh của dưa lê, dưa hấu... bên nhánh sông Đáy và sông Đĩnh Đào. Vậy mà đợt này về đây đúng vụ dưa, tôi chỉ thấy màu vàng úa của những cây dưa bị chết", anh Nguyễn Văn Hưng, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam kể khi dẫn sinh viên trở lại vùng đất này thực tập.

Tôi và anh Hưng đã tìm gặp ông Nguyễn Xuân Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn để tìm hiểu nguyên nhân. Theo ông Thơ,  chưa bao giờ nông dân Gia Lộc lại vất vả trồng dưa như 2 vụ gần đây. Phần lớn những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ đều được bà con dành để trồng màu. Tuy nhiên, dưa sắp cho thu hoạch lại chết, nông dân thất thu. Vụ xuân hè này, Phạm Trấn có khoảng 40% diện tích dưa lê bị chết. Xã đã thuê 4 kỹ sư của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về để tìm bệnh. Các kỹ sư đã lấy mẫu đất phân tích, kết luận nhiều vùng trồng màu ở đây bị nghèo dinh dưỡng và độ PH cao.

Do ham tăng thời vụ nên nhiều nơi nông dân Gia Lộc canh tác theo kiểu "vắt kiệt" tài nguyên đất. Cách làm này diễn ra lâu dài sẽ không có lợi cho trồng trọt. "Có lần tôi thấy một bác nông dân vừa buổi sáng thu hoạch dưa lê, chiều hôm đó đã ra bầu trồng dưa hấu mà không xới xáo lại đất hay dọn dẹp rác dưa còn xót lại trên ruộng. Tôi hỏi thì bác ấy bảo bà con ở đây ai cũng làm thế cả để cho kịp thời vụ", anh Nam, kỹ sư của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói. Đây là nguyên nhân làm giảm độ tơi xốp của đất và không tiêu diệt được mầm mống của sâu, bệnh từ lứa rau trước còn tồn dư trong đất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến dưa lê bị chết và nhiều loại rau màu khác phát triển kém.

Canh tác bền vững

 Canh tác thân thiện với môi trường đang là mục tiêu mà huyện Gia Lộc đặt ra để bảo vệ đất trồng màu, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Theo anh Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lộc, trong các buổi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, hội đều hướng dẫn bà con cách bón phân cân đối, sử dụng các chế phẩm sinh học và phân hữu cơ để canh tác. Năm qua, hội cũng đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) và một số công ty phân bón nghiên cứu triển khai mô hình thí điểm canh tác an toàn gắn với bảo vệ đất ở các xã Đoàn Thượng và Toàn Thắng. Từ những mô hình này giúp nông dân thay đổi cách canh tác không có lợi cho đất.

Năm ngoái, chị Nguyễn Thị Mười ở thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma BIMA để cải tạo đất trồng dưa lê. Chị cũng tăng lượng phân hữu cơ theo khuyến cáo của họ. Nhờ đó, vụ này dưa của gia đình chị không bị chết như những nhà khác.

Để giúp nông dân nâng cao nhận thức bảo vệ đất trồng rau màu, mỗi năm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đều tổ chức từ 3-4 lớp tập huấn chuyên đề về các kỹ thuật canh tác gắn với bảo vệ đất. Ở những vùng chuyên canh rau màu, huyện đã khuyến cáo các địa phương dành một vụ trong năm chuyển sang cấy lúa hoặc cây trồng nước để cải tạo đất. Ngay vụ mùa này, nông dân vùng chuyên trồng màu ở các xã Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Phạm Trấn bắt đầu chuyển sang cấy lúa sau đó mới trồng rau vụ đông.

Một số xã có vùng trồng rau màu lớn của huyện cũng đã tự phối hợp với các công ty cung ứng phân bón phân tích mẫu đất và hướng dẫn nông dân cách bón phân cân đối. Anh Nguyễn Văn Toàn, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: Do bà con nông dân ở Gia Xuyên bón phân không cân đối, sử dụng quá nhiều đạm nhưng lại thiếu kali nên cán bộ công ty đã hướng dẫn họ tăng lượng kali để cân bằng dinh dưỡng cho đất. HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia Xuyên đã cùng hướng dẫn bà con ở đây bón phân, phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng để vừa sản xuất hiệu quả lại bảo vệ được môi trường".

Do xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính của huyện nên các xã, thị trấn đã sớm xây dựng các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa 25, nhất là Đề án 01 "Quy hoạch và xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch, phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2016 - 2020". Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi tư duy canh tác, bảo vệ diện tích đất trồng trọt đang ngày càng có xu hướng bị thu hẹp. Huyện đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích nhưng phải giữ "tuổi thọ" cho đất.

Đất đai không phải là tài nguyên vô hạn. Hy vọng với những chỉ đạo quyết liệt và những thay đổi trong nhận thức sẽ giúp nông dân Gia Lộc canh tác bền vững.

HẢI MINH

Huyện Gia Lộc có hơn 1.300 ha đất chuyên trồng rau màu. Hệ số sử dụng đất trung bình của huyện đạt 2,7 lần/năm nhưng tại các vùng rau màu đạt từ 4-5 lần/năm. Trong 2 năm 2016-2017, huyện đã chọn 4 xã gồm Ðoàn Thượng, Phạm Trấn, Lê Lợi, Toàn Thắng để quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn. Hiện nay, một số địa phương này thuê các kỹ sư lấy mẫu, phân tích chất lượng đất để lựa chọn giống rau màu phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Hồi xuân" cho đất