Là nơi có phong trào chơi cây cảnh mạnh nhất huyện Thanh Hà, nhưng nhiều người ở Tân Việt cũng trải qua thăng trầm với thú chơi này.
Vườn cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng của gia đình ông Vũ Tuấn Thịnh (người đội mũ)
Trầm lắng nhiều năm
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Vũ Tuấn Thịnh nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam ở thôn Cam Lộ (xã Tân Việt, Thanh Hà) là vườn cây cảnh đẹp mê lòng người. Trên sân và dưới vườn là những cây sanh, si, mẫu đơn, tùng… được ông chăm sóc, cắt tỉa nhiều năm.
Túc tắc pha ấm trà thơm, ông Thịnh kể cho chúng tôi nghe về thời hưng thịnh nhất của cây cảnh. Đó là từ năm 2010 trở về trước, cứ có cây cảnh là có tiền, có năm gia đình ông thu lãi từ 300-400 triệu đồng nhờ bán cây cảnh. Lúc đó, ở Tân Việt có đến hàng trăm người chơi cây cảnh, nhiều nhà thấy lãi cao nên dồn hết vốn liếng đổ xô đi mua cây cảnh về bán. “Có lúc người chơi ồ ạt đẩy giá lên cao, rất ảo, nhiều người chưa tìm hiểu kỹ nên đầu tư với số tiền lớn, sau đó mất trắng, nghĩ lại mà xót xa”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho biết, hơn 10 năm trước có người mê cây cảnh đến nỗi đi đường gặp cây đẹp sẵn sàng đổi ô tô lấy cây. Nhưng đó là những người thật lòng với cây, là những người theo đuổi cả đời với nghệ thuật. Vì thật tâm nên sau này họ cũng thành công, ăn nên làm ra nhờ cây cảnh. Những năm đó, Tân Việt là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh thành lập Câu lạc bộ sinh vật cảnh. Đến nay câu lạc bộ có hơn 50 thành viên tham gia.
Thú chơi cây cảnh bắt đầu trầm lắng từ cuối năm 2011. Thị trường cây cảnh không còn nhộn nhịp, người chơi cũng không nhiều như trước nữa, có nhà thiệt hại hàng tỷ đồng. Tại Tân Việt, tình cảnh cũng tương tự. Từ năm 2011-2020, về Tân Việt, rất dễ gặp những rặng sanh, si hoặc những cây cảnh không có thế đẹp trồng rất nhiều ở ven đường, để bên ngoài cổng, không còn quý hóa như trước đây.
Cây sanh của gia đình ông Phạm Tuấn Hạ có người trả hơn 2 tỷ đồng nhưng ông chưa bán
Ông Phạm Tuấn Hạ, một người chơi cây cảnh nhiều năm ở thôn Cam Lộ cho biết trước đây chơi cây cảnh là tự phát, có người thích thì chơi nhưng không hợp. Bản thân ông từng vay ngân hàng gần chục tỷ đồng để đầu tư cho cây cảnh nhưng lại “ngậm trái đắng”. Sau này nhiều người “đổ sông, đổ bể” nhưng ông vẫn kiên định với đam mê của mình, dành nhiều thời gian chăm sóc, tìm hiểu đặc tính của từng cây để uốn nắn, tạo thế. Đến giờ, ông có một cơ ngơi đồ sộ với ngôi nhà to rộng như biệt thự, sân vườn nhiều cây cảnh, có cây được trả hơn 2 tỷ đồng. “Tất cả đều nhờ cây cảnh”, ông Hạ nói.
Sức sống mãnh liệt
Năm 2014, ông Vũ Tuấn Thịnh là 1 trong 6 người trên cả nước được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Sinh vật cảnh Việt Nam. Ông Thịnh năm nay đã ngoài 70 tuổi, dành cả đời chơi cây cảnh. Trước theo xu thế, ông thường chơi những loại cây to, tán rộng nhưng nay ông chơi nhiều loại cây bonsai, kích cỡ nhỏ hơn, dễ di chuyển. Với ông Thịnh, việc chơi cây cảnh đã giúp ông có thêm sự kiên nhẫn, tu dưỡng tính cách từng nóng nảy của mình. Theo ông, chơi cây, gần gũi với thiên nhiên để tâm hồn nhẹ nhàng hơn.
Khoảng 2 năm trở lại đây, “dân chơi” ở Tân Việt lựa chọn cây cảnh và chăm sóc, tạo dáng theo ý tưởng của mình, coi đó là tác phẩm nghệ thuật, “đứa con tinh thần”. Họ dồn cả tâm sức cho nghệ thuật nên có tác phẩm “thai nghén” từ 50-70 năm mới hoàn thiện. Ông Thịnh nhớ có lần ông mua được một cây sanh, nhìn gốc rất đẹp nhưng cũng chỉ là phôi, chưa có thế. Lúc đó cây mới có 30 năm tuổi. Sau gần 30 năm, ông kỳ công chăm sóc, đến nay cây trở thành kiệt tác. Có người chơi từng trả ông đến 800 triệu đồng nhưng ông chưa bán.
Hiện nhiều người yêu thích dáng cây cảnh bonsai
Những người chơi cây cảnh chân chính đối đãi với nhau cũng khác hẳn bình thường. Anh Phạm Hải Ninh, cùng thôn Cam Lộ cho biết chỉ cần quý nhau cũng có thể trao đổi, “sang tay” cho nhau những tác phẩm quý mà không cần lời lãi. Họ chỉ cần tác phẩm của mình gặp được đúng chủ nhân biết trân quý, chăm sóc tốt. “Người trong giới sinh vật cảnh lâu năm trong Nam, ngoài Bắc hầu hết là quen biết nhau. Chúng tôi thường tham gia một số hội chợ ở các tỉnh, thành phố để giao lưu cây cảnh, nếu không thì mời anh em, bạn bè về nhà chiêm ngưỡng, bình phẩm về cây. Đó là thú vui của những người chơi cây cảnh hiện nay”, anh Ninh nói.
Về Tân Việt giờ đây không hiếm thấy những vườn cây cảnh nhiều tỷ đồng. Người chơi cây cảnh đã biết tập trung vào chất lượng, nghệ thuật chứ không “mông lung” như chục năm về trước. Với sự “hồi sinh” mạnh mẽ từ thú chơi cây cảnh, đầu tháng 12 tới, tại xã Tân Việt sẽ tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Bonsai Thanh Hà, tổ chức triển lãm sinh vật cảnh năm 2022. Thành viên trong câu lạc bộ có nhiều người ở xã Tân Việt làm nòng cốt. Dịp này hứa hẹn hội tụ nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt từ các tỉnh, thành phố.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Việt Nguyễn Tuấn Tuyến cho biết thú chơi cây cảnh của nhiều người ở xã Tân Việt chưa bao giờ mất đi mà thời gian trầm lắng đó để họ tập trung vào nghệ thuật, nâng cao chất lượng cây. Điều đó càng chứng tỏ nghệ thuật chân chính cũng sẽ đi liền với giá trị kinh tế cao.
MINH NGUYỆT