Sáng 31.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 để tổng kết, đánh giá kết quả năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020.
Quang cảnh hội nghị
Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành và các địa phương trong tỉnh dự tại điểm cầu Hải Dương.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái chủ trì tại điểm cầu Hải Dương
Trước khi hội nghị diễn ra, tại điểm cầu Trung ương và điểm cầu các tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương, các đại biểu đã tham gia quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương ủng hộ đồng bào miền Trung
Năm học không bị “đứt gãy”
“Năm học 2019 - 2020 là năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ GD-ĐT đánh giá, đến thời điểm này, sau hai đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh. Sự an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên được đảm bảo nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy” giáo dục như một số nước đã gặp phải có thể ảnh hưởng tới một thế hệ học sinh, trái lại, “trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.
Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Điều này không chỉ thể hiện sự nỗ lực mà còn cho thấy khả năng “chống chịu”, thích ứng và trách nhiệm xã hội của ngành giáo dục trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.
Bộ GD-ĐT chuẩn bị ban hành quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông, tạo hành lang pháp lý để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.
Cũng nhờ những mặt tích cực của chuyển đổi số, học trực tuyến, nhiều nội dung đã được thực hiện. Cụ thể, dù dịch bệnh phức tạp nhưng ngành giáo dục đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Bộ đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn, đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK nhằm cởi trói cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường. Đồng thời, phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng SGK.
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016- 2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015. Đối với vấn đề tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc), trong đó các trường đại học đóng góp trên 90% số bài. Lần đầu tiên, nước ta có 4 cơ sở giáo dục đại học lần lượt lọt vào tốp 1.000 thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.
Nghiêm túc khắc phục những vấn đề về SGK
Tại đây, những vấn đề đầu năm học mới liên quan đến SGK, tài liệu tham khảo cũng được Bộ GD-ĐT đặt ra. Về thiếu cục bộ SGK và “ép” mua tài liệu tham khảo, Bộ GD-ĐT cho biết: Nhằm chuẩn bị cho năm học 2020- 2021, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị và phát hành đầy đủ SGK đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Tuyệt đại đa số học sinh đã có đủ SGK trước khi bước vào năm học mới. Chỉ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ đối với SGK lớp 6 ở 1 số nơi trong tuần đầu năm học mới.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sang năm sẽ triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 2 và lớp 6, vì vậy, một số đại lý phát hành sách đã thận trọng trong việc nhập SGK lớp 6 để tránh bị tồn kho không bán được. Ngay khi nhận được phản ánh về tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bổ sung SGK cho những địa phương bị thiếu cục bộ, khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Đối với sách tham khảo, Bộ GD-ĐT đã có quy định tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên “ép” học sinh mua sách tham khảo.
Theo ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng SGK, sách tham khảo.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, ngành Giáo dục cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, như: Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo. Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được chú trọng đúng mức.
Đặc biệt, quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập, việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chưa tốt, còn gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đưa ra kế hoạch tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không được để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.
Chủ trương của Bộ GD-ĐT trong thời gian tới là: “SGK phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các nhà trường”.
TIẾN MẠNH - TTXVN