Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đối mặt với sức ép nội bộ vì phát ngôn trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin đầu tuần qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16.7. Ảnh: AFP/TTXVN
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Helsinki được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng dù hai bên không đặt kỳ vọng quá lớn, bởi đây là cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, và diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
4 giờ thay đổi quan hệ Nga-Mỹ
Khoảng 18 giờ 10 (giờ Hà Nội) ngày 16.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh tại Dinh Tổng thống Phần Lan ở thủ đô Helsinki.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga diễn ra muộn hơn dự kiến vì chuyên cơ của Tổng thống Vladimir Putin tới muộn 45 phút. Đây không phải lần đầu tiên ông Putin tới trễ giờ các cuộc gặp, khi ông chủ Điện Kremlin thường xuyên bắt các lãnh đạo quốc tế khác phải chờ đợi mình. Một số nhà phân tích bình luận, việc đến các cuộc hẹn trễ hơn kế hoạch có thể là một thủ thuật đàm phán của lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, hãng tin CNN đã chỉ ra nguyên do Tổng thống Putin đến trễ trong cuộc hẹn lần này là trước đó một ngày Nga vừa kết thúc lễ bế mạc sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2018.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo đã có cái bắt tay lịch sử và bước vào cuộc họp kín chỉ có sự tham gia của hai thông dịch viên. Nhà Trắng dự kiến cuộc gặp riêng của hai nhà lãnh đạo chỉ trong vỏn vẹn 90 phút, nhưng trên thực tế, cuộc gặp đã kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Đánh giá về cuộc gặp riêng, phát biểu tại bữa trưa làm việc, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã có được "một sự khởi đầu tốt, một sự khởi đầu rất tốt cho tất cả mọi người".
Mặc dù không có bất kỳ Tuyên bố chung nào trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này song trong cuộc họp báo kết thúc, hai bên đã có những phát biểu đưa ra những tín hiệu tích cực đầu tiên về hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin khẳng định Moskva và Washington có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, nêu những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và hoan nghênh vai trò của Tổng thống Trump trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông cũng khẳng định Moskva không bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp vào tiến trình bầu cử của Mỹ.
Về phần mình, Tổng thống Trump mô tả cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Putin là một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và có tính xây dựng sâu sắc. Ông nói: "Quan hệ của chúng ta chưa bao giờ tồi tệ hơn bây giờ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi. Khoảng 4 giờ trước đây."
Trong diễn biến mới nhất, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 19.7 cho biết, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton mời Tổng thống Putin tới Nhà Trắng vào mùa Thu, đồng thời các cuộc tham vấn về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới đã bắt đầu được tiến hành.
Phát ngôn trái chiều khiến chính trường Mỹ sục sôi
Cũng trong buổi họp báo chung, Tổng thống Trump cho rằng cuộc điều tra của Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 là một thảm họa đối với nước này và hết lòng bày tỏ sự tin tưởng vào người đồng cấp Putin. "Tôi không thấy có bất cứ lý do nào của việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016".
Ngay lập tức phát biểu này đã khiến các nhà lập pháp Mỹ dậy sóng. Giới nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ bày tỏ sự không hài lòng về cuộc gặp này khi cho rằng đây là "cơ hội bị bỏ lỡ. Họ cho rằng việc Tổng thống Trump phủ nhận đánh giá của các quan chức tình báo và đổ lỗi cho Mỹ vì cuộc tấn công của Nga đối với nền dân chủ của Mỹ là một "điều đáng hổ thẹn".
Sau đó, mặc dù đã có tuyên bố “lỡ lời” đảo ngược nhiều phát ngôn về cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Mỹ, song điều này chẳng những không xoa dịu được tình hình, ngược lại còn làm xấu thêm hình ảnh của nhà lãnh đạo Trump.
Không chỉ vậy, nội dung cụ thể những gì Tổng thống Trump đã thảo luận với Tổng thống Putin tại cuộc họp kín cũng đang bị đặt câu hỏi. Các nhà lập pháp Mỹ muốn làm rõ nội tình cuộc gặp kín của hai Tổng thống, liên tục đề nghị nữ phiên dịch Marina Gross phải ra điều trần trước Quốc hội.
Chính giới Mỹ đang yêu cầu Tổng thống Trump phải công khai toàn bộ nội dung họp kín với Tổng thống Putin.
Trong một diễn biến liên quan, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức buộc tội 12 công dân Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 đồng thời bắt giữ một phụ nữ người Nga 29 tuổi cáo buộc âm mưu gây ảnh hưởng lên chính trường Mỹ bằng cách xây dựng quan hệ với các nhóm chính trị như Hiệp hội súng trường Quốc gia. Theo thông báo, cô Mariia Butina đã bị bắt tại Washington hôm 14.7 và xuất hiện tại tòa án Mỹ trong ngày 16.7.
HỒNG HẠNH (Báo Tin tức)