Quê tôi tổ chức hội mùa đúng vào dịp 10 tháng 10 âm lịch hằng năm, còn gọi là lễ cúng xôi mới.
Quê tôi tổ chức hội mùa đúng vào dịp 10 tháng 10 âm lịch hằng năm, còn gọi là lễ cúng xôi mới. Những năm gần đây, do cấy lúa giống mới nên thời gian gặt thường sớm, khoảng từ tháng 9. Nông dân gặt đập bằng máy nên vụ gặt chỉ trong vòng nửa tháng là xong. Nhưng người dân quê tôi vẫn lấy mốc 10 tháng 10, chính vụ gặt ngày xưa làm ngày hội mùa và cúng xôi mới.
Trước kia, làng quê những ngày đó tưng bừng, hồ hởi mừng vụ mùa bội thu, có bát cơm gạo mới tạ ơn đất trời, cúng tổ tiên. Con cháu ở gần hay đi đâu xa đều tụ hội về quê, sum họp cùng gia đình, làng xóm. Nâng bát cơm gạo mới dẻo thơm trên tay mà nghĩ đến những ngày tháng 6 trời nắng như đổ lửa, nước nóng bỏng rát vẫn phải lội xuống ruộng cấy. Trời nóng, mọi người bảo nhau đi cấy sớm từ tờ mờ, buổi chiều cấy muộn, thậm chí cấy cả vào những đêm trăng sáng. Những ngày ấy, chúng tôi theo cha mẹ, anh chị chở mạ ra đồng. Xong việc mới vội vã trở về nhà ngồi vào bàn học bài. Hay những ngày mưa bão, nước ngập trắng đồng, người trong làng nhìn nhau lo âu, mong sao bão tan, nước rút nhanh để cánh đồng khỏi úng ngập. Cuộc sống bộn bề, tất bật, vất vả nhưng vui.
Đến ngày hội mùa, ở quê mời về dự hội mà lòng cứ rộn ràng nhớ lại những kỷ niệm của ngày xưa. Sáng mai, cả nhà ra xe buýt về quê. Bọn trẻ xúng xính trong các bộ quần áo mới, tôi thấy mình trẻ lại, nghĩ đến về quê, gặp lại các bạn cũ ở làng, trò chuyện vui vẻ, ôn lại kỷ niệm xưa, những ngày còn nhỏ chăn trâu, gánh mạ ra đồng, đắp bờ, be nong tát cá. Những con cá rô ăn hoa lúa dạo tháng tám, bấy giờ sang tháng 10 béo mũm, bụng đầy trứng đem nấu canh với rau cải vườn nhà, thêm vài lá gừng tươi. Trên bát canh, trứng cá lấm tấm màu vàng hoa ngâu nổi lên, thơm ngon mùi cá rô đồng, lá gừng nồng cay và thoang thoảng mùi hương lúa mới.
Thấy tôi cứ đi đi lại lại trong nhà vẻ bần thần, đứng ngồi không yên, vợ tôi bảo: "Ông tìm gì?". Tôi sững người: "Nào tìm gì đâu". Tôi nhìn bà ấy vẻ cũng như tôi, đi đi lại lại rồi mở tủ lấy ra cả mớ quần áo. Cái nào màu sắc cũng bắt mắt, thơm tho, ướm thử. Sớm sau, cả nhà tôi cùng ra xe về quê. Mới đến đầu làng đã thấy làng quê rộn ràng trong những nhịp trống. Những lá cờ phướn, cờ thần cắm dọc trên đường dẫn vào đình làng. Từng tốp, từng tốp các cụ bà mặc áo tứ thân, môi đỏ quết trầu, các cụ ông cũng áo the khăn xếp ra đình. Nam nữ thanh niên thì chơi bóng chuyền, kéo co, bắt vịt. Trong đình, đội tế cùng bà con kính cẩn thắp hương, dâng lễ. Bên khói hương nghi ngút, ngoài hoa quả là ba mâm xôi gà lễ thành hoàng làng. Anh trưởng thôn, người làng bên do hai làng vừa mới sáp nhập làm thủ tục buổi lễ. Mọi người đứng đó nghiêm cẩn, hai tay cầm nén nhang cung kính vái theo văn khấn và tiếng trống thờ thong thả điểm từng nhịp. Nhìn sang bên, thấy ngoài những người trong làng tôi còn rất đông người làng bên - làng sáp nhập cũng cung kính đến lễ đình và dự hội mùa. Hai làng xưa nay vẫn có mối quan hệ thân thiết. Gái làng tôi lấy trai làng ấy và trai làng tôi cũng sang làm rể làng ấy. Bây giờ hai làng làm một càng thân thiết, gắn bó hơn.
Lễ đình, tạ thành hoàng làng xong, mọi người cùng nhau xem chương trình văn nghệ. Mở đầu là đội văn nghệ làng bên với điệu hát mời trầu, dân ca quan họ Bắc Ninh. Những câu hát xao xuyến, bổng trầm: "Gặp đây ăn một miếng trầu, không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng". Rồi một giọng nữ cao vút: "Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta". Một giọng liền anh: "Yêu nhau đứng ở đằng xa, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần...". Rồi: "Anh còn son, em cũng còn son, ước gì ta được làm con một nhà...". Cứ thế điệu hát ngân nga kéo dài đến hết buổi. Mọi người vui vẻ thụ lộc. Những phẩm oản, thỏi xôi nén được gói trong vuông lá chuối tươi xanh, thơm mùi xôi mới. Những cái bắt tay xiết chặt, chân thành. Những ánh mắt thương yêu hò hẹn ngày gặp lại, không nỡ rời xa.
Về quê trong ngày hội mùa của làng, hít hà hương lúa mới, rơm thơm thấy lòng ấm lạ.
Tản văn của VŨ HOÀNG LUYẾN