Hồi hộp và lo lắng

14/08/2015 07:35

Thay đổi lớn trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay khiến nhiều phụ huynh và thí sinh tiếp tục lo lắng...



Đến ngày 10-8, Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương mới nhận được hơn 400 hồ sơ


Biết điểm thi rồi mới chọn trường là thay đổi lớn nhất trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Điều này dẫn đến hàng loạt điểm mới trong tâm lý cũng như cách thức chọn lựa trường của thí sinh.

Tưởng dễ thành ra khó

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quyết định gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) thành một kỳ thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh vui mừng vì sau khi biết điểm thi mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ. Về mặt lý thuyết, biết điểm rồi mới đăng ký trường sẽ giúp thí sinh có cơ hội đỗ cao hơn vì xác định được mình nằm ở tốp nào. Nhưng điều này chỉ đúng với tất cả các thí sinh khi các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển rồi mới nhận hồ sơ. Trên thực tế, các trường không thể xác định được điểm chuẩn trúng tuyển khi chưa nhận được hồ sơ thí sinh. Tất cả các trường đều nhận hồ sơ theo ngưỡng điểm chuẩn Bộ GD-ĐT đưa ra (15 điểm với ĐH, 12 điểm đối với CĐ) nên lựa chọn trường để cơ hội đỗ cao thành ra lại khó với hầu hết thí sinh.

Nguyễn Thùy Dương ở xã Lê Hồng (Thanh Miện) được 25,25 điểm của tổng ba môn xét tuyển ĐH là toán, lý, hóa. Đây là số điểm khá cao có thể giúp Dương đỗ vào nhiều trường ĐH. Nhưng các thí sinh có điểm như Dương thường mong muốn vào các trường ĐH tốp đầu nên vẫn cần phải cân nhắc vì điểm chuẩn các trường này hằng năm rất cao. Dương cho biết: “Em đang cân nhắc nộp hồ sơ vào Trường ĐH Ngoại thương hoặc ĐH Kinh tế quốc dân nhưng hơi hoang mang, không biết cơ hội đỗ vào trường nào cao hơn. Việc biết trước điểm giúp thí sinh chủ động trong việc chọn trường nhưng cũng gây áp lực. Các thí sinh có điểm cao đều dồn vào một số trường tốp đầu nên sự cạnh tranh có lẽ còn căng thẳng hơn mọi năm. Còn điểm chuẩn thì không biết dự đoán ra sao vì đây là lần đầu tiên các trường tuyển sinh theo cách này”. Trong khi những thí sinh có điểm cao còn nhiều băn khoăn thì các thí sinh có điểm mấp mé điểm chuẩn hằng năm của các trường ĐH, CĐ lại càng lo lắng hơn vì khó xác định trường nào phù hợp với số điểm của mình. Nếu như trượt nguyện vọng 1 thì những thí sinh này rất khó đỗ vì sẽ có nhiều thí sinh cũng trượt ở các trường tốp đầu có điểm cao hơn.

Trong thời gian 20 ngày nộp hồ sơ nguyện vọng 1, thí sinh có thể thay đổi ý định, rút hồ sơ để nộp sang trường khác nếu thấy khả năng đỗ không cao. Việc theo dõi danh sách thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 được thực hiện qua cổng thông tin điện tử của các trường ĐH, CĐ nhưng không phải thí sinh nào cũng có điều kiện cập nhật thường xuyên. Các thí sinh ở vùng sâu vùng xa có thể chịu thiệt thòi khi không có thông tin nhanh nhạy, không có điều kiện đi lại để rút, nộp hồ sơ dễ dàng. Thí sinh Phạm Trung Kiên ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) bức xúc: “Em đi thi THPT quốc gia ở một nơi rồi nộp hồ sơ ở một trường khác. Hằng ngày phải ngồi cập nhật điểm trên các website, nếu muốn nộp sang trường khác lại phải đi rút hồ sơ rồi đi nộp, mất rất nhiều thời gian và công sức. Bộ GD-ĐT đã quản lý cơ sở dữ liệu điểm của thí sinh thì nên cho thí sinh đăng ký và chuyển hồ sơ online, sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian”.

“Nín thở” chờ phút chót


Tính đến ngày 10-8, có tất cả 103 trường ĐH, CĐ trong cả nước cập nhật thông tin thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 trên cổng thông tin điện tử của trường. Nhưng mỗi trường có một cách sắp xếp thông tin thí sinh và điểm số khác nhau khiến thí sinh khó theo dõi, không biết đánh giá khả năng trúng tuyển của mình như thế nào. Do không đánh giá được tình hình chung nên nhiều thí sinh chưa nộp hồ sơ mà chờ đợi để cập nhật thêm về trường mình muốn vào. Chị Trịnh Thị Tươi (phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) có con dự định nộp hồ sơ vào Trường ĐH Công đoàn cho biết: “Điểm thi của con tôi không thật cao nên gia đình và cháu đang chờ xem số lượng hồ sơ nộp vào trường và mức điểm chung như thế nào. Nếu nộp hồ sơ vào sớm, đến những ngày cuối có thêm nhiều thí sinh điểm cao nộp thì thứ hạng của mình giảm xuống và không kịp rút hồ sơ nộp sang trường khác”.

Đó cũng là tâm lý chung của nhiều thí sinh và phụ huynh khác nên đã hết một nửa thời hạn nộp hồ sơ nguyện vọng 1 nhưng nhiều hồ sơ vẫn còn được “ém kỹ”. Vì vậy, số lượng hồ sơ nhận được của các trường cho đến bây giờ thấp hơn mọi năm rất nhiều. Tính đến hết ngày 10-8, Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương mới có gần 1.200 hồ sơ trong khi mọi năm trường có hơn 8.000 thí sinh dự thi. Trường ĐH Hải Dương trung bình mỗi ngày chỉ nhận được hơn 10 hồ sơ. Trường CĐ Dược Trung ương - Hải Dương mới nhận được hơn 400 hồ sơ. Anh Nguyễn Minh Tân, Phòng Đào tạo, Trường CĐ Dược Trung ương - Hải Dương phụ trách nhận hồ sơ cho biết: “Năm nay, có nhiều thí sinh chưa nộp hồ sơ mà đến tư vấn xem chỉ tiêu tuyển sinh của trường, số lượng, số điểm của các hồ sơ thí sinh đã nộp là bao nhiêu. Các em vẫn đang cân nhắc xem có nên nộp vào trường không. Có một số thí sinh đã rút hồ sơ từ trường khác sang nộp ở đây. Vì thế, dự kiến trong những ngày cuối, số lượng hồ sơ thí sinh sẽ tăng nhanh vì khi đó thí sinh phần nào đã đánh giá được thứ hạng điểm của mình tại trường muốn nộp hồ sơ”.

Với tình hình đó, cho đến bây giờ, dự kiến điểm chuẩn của các trường ĐH, CĐ vẫn đang là một ẩn số khó đoán. Và đa số các thí sinh buộc phải chờ đợi đến phút chót mới biết mình có khả năng trúng tuyển hay không.


VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Hồi hộp và lo lắng