Hồi hộp chờ phi thuyền Nga rơi xuống trái đất

02/05/2015 10:45

Phi thuyền tiếp tế gặp sự cố của Nga được cho là sẽ tiến nhập trở lại tầng khí quyển trái đất từ ngày 5 đến 7-5.

Hồi hộp chờ phi thuyền Nga rơi xuống trái đất

Tên lửa Soyuz mang theo tàu chở hàng Progress rời bệ phóng vào ngày 28-4 - Ảnh: AFP


Tờ The Moscow Times dẫn lời ông Igor Komarov, người đứng đầu Cơ quan Không gian Nga Roscosmos, thừa nhận sứ mệnh trị giá 2,6 tỷ rúp (khoảng 50,5 triệu USD) nhằm cung cấp nhu yếu phẩm cho Trạm không gian quốc tế (ISS) đã thất bại khi không thể kết nối với phi thuyền chở hàng Progress M-27M.


Con tàu này được phóng bằng tên lửa Soyuz từ sân bay vũ trụ Baikonur thuộc Kazakhstan vào ngày 28-4. Mọi thứ đều suôn sẻ cho đến khi liên lạc với Progress trở nên rời rạc lúc phi thuyền vào quỹ đạo đầu tiên nằm bên dưới ISS. Hình ảnh truyền về cho thấy tàu bị lộn nhào 360 độ với tần suất 5 giây/lần. Roscosmos đã nỗ lực kiểm soát phi thuyền nhưng cuối cùng đành từ bỏ.


Các tàu lớp Progress hoạt động theo cơ chế tự động hóa và không mang theo phi hành gia. Tuy nhiên, chúng được thiết kế tương tự như tàu vũ trụ có người lái Soyuz, chỉ loại bỏ lá chắn nhiệt nhằm tăng tải trọng. Trong trường hợp Progress M-27M, tàu đang mang theo 2.357 kg nhiên liệu và đồ dùng tiếp tế cho ISS, theo The Moscow Times.


Đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân sự cố nhưng theo các chuyên gia, có thể đã xảy ra tình trạng thoát hơi đột ngột ở bộ phận tên lửa đẩy hoặc ăng ten truyền tín hiệu điều khiển bị trục trặc.


Bên cạnh đó, Trung tâm các chiến dịch không gian chung thuộc không quân Mỹ đã phát hiện 44 mảnh vỡ liên quan đến phi thuyền Progress M-27M, dấu hiệu cho thấy có thể đã xảy ra một vụ nổ. Trong lần kiểm tra mới nhất vào ngày 30-4, Progress M-27M trên quỹ đạo cách trái đất khoảng 198 km.


Các rủi ro


Đầu tiên, Progress M-27M không va chạm với ISS vì cả hai không ở cùng độ cao. Trạm không gian quốc tế cũng vẫn còn hàng dự trữ cho đến vài tháng nữa nên việc mất đi tàu tiếp tế không gây ảnh hưởng quá lớn. Bên cạnh đó, ngoài nguồn cung cấp từ Nga, ISS cũng nhận tiếp tế từ Mỹ và Nhật Bản.


Tuy nhiên, do các tàu không gian lớp Soyuz có cùng công nghệ kỹ thuật với tàu Progress và cũng được phóng bằng tên lửa Soyuz nên cho đến khi xác định rõ ràng vấn đề của Progress M-27M, các sứ mệnh Soyuz sắp tới có thể bị trì hoãn, theo AFP.


Do Progress M-27M chỉ cách trái đất chưa đến 200 km, sẽ có đủ lực hút để kéo nó xuống quỹ đạo thấp hơn. Vào tuần tới hoặc hơn, con tàu sẽ bị kéo xuống độ cao 100 km và bắt đầu tiến nhập tầng khí quyển. Đến nay, vẫn chưa xác định được thời điểm và điểm rơi chính xác của tàu.


Hiện phi thuyền Nga di chuyển với tốc độ 8 km/giây nên chỉ cần sai lệch 2 phút là con tàu có thể chệch đến 1.000 km. Câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là liệu Progress M-27M có gây nguy hiểm khi rơi trở lại trái đất hay không.


The Moscow Times dẫn lời Vladimir Solovyev, Giám đốc các sứ mệnh bay của đội du hành Nga trên ISS cho hay do thiếu lá chắn nhiệt, Progress M-27M sẽ bị hủy hoại gần như hoàn toàn khi đi qua tầng khí quyển và phần còn sót lại sẽ vô cùng nhỏ. Trên thực tế, nhiều phi thuyền xâm nhập bầu khí quyển hằng năm mà không gây sự cố nào. Cũng có khả năng mảnh vỡ sẽ rơi xuống biển hoặc tại những vùng dân cư thưa thớt như các tàu lớp Progress trước đó. Nếu may mắn, một số ít người có thể chứng kiến “cơn mưa sao băng đắt đỏ” làm từ các mảnh vỡ của tàu.


Ngoài ra, không quân Mỹ cho biết đang theo dõi sát sao tình hình nhưng chưa có kế hoạch bắn hạ Progress M-27M. Vào năm 2008, lực lượng này từng phóng tên lửa SM-3 triệt tiêu vệ tinh do thám USA-193 khi dự đoán nó có thể rơi xuống khu dân cư. 

Hạo Nhiên (Thanh niên)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi hộp chờ phi thuyền Nga rơi xuống trái đất