Hỏi: Những đổi mới căn bản nhất của kỳ thi THPT quốc gia?
Trả lời:
1- Thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây, kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; có tác động tích cực đối với quá trình dạy và học ở nhà trường phổ thông.
2- Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.
Kết quả 4 môn này được sử dụng kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của các trường đại học, cao đẳng (nếu các trường sử dụng các môn này để tuyển sinh). Ngoài ra, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn tự chọn khác.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ thi các môn phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được xem xét miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
3 - Tổ chức coi thi, chấm thi:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường đại học có uy tín và năng lực chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức coi thi, chấm thi. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng và giáo viên các trường THPT.
- Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo các cụm thi liên tỉnh.
- Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh.
4. Sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký tuyển sinh vào các ngành của trường đại học, cao đẳng. Việc này tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường đại học, cao đẳng phù hợp với kết quả thi và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây, đã có trường hợp thí sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học.
Hỏi: Có ý kiến cho rằng chỉ nên giữ lại kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tốt nghiệp THPT. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào về ý kiến này?
Trả lời: Thi, kiểm tra, đánh giá là một khâu của quá trình dạy học, có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với các hoạt động khác của quá trình dạy học và giáo dục trong nhà trường phổ thông, có tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả dạy học và luôn được toàn xã hội quan tâm.
Thi tốt nghiệp THPT được quy định trong Luật Giáo dục. Kỳ thi này không chỉ nhằm mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà quan trọng hơn là nhằm mục đích khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy học sinh tích cực học tập, cung cấp những thông tin phản hồi hữu ích, giúp cho giáo viên, nhà quản lý giáo dục điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý để đạt mục tiêu chất lượng dạy học ngày càng cao.
Thực tế cho thấy, nếu không thi thì cả người học và người dạy đều rất ít cố gắng. Hơn nữa, bằng tốt nghiệp THPT và kết quả thi còn là minh chứng cần thiết để phân luồng học sinh trong điều kiện hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả các thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT; là điều kiện cần để tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo trong và ngoài nước.
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và những ưu điểm của thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “3 chung” những năm qua; không phải là bỏ 1 trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh đại học, cao đẳng mà là tổ chức 1 kỳ thi với 2 mục đích. Phương thức này phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển, đó là coi trọng các điều kiện bảo đảm chất lượng, quản lý quá trình giáo dục và quản lý chất lượng đầu ra.
Từ đó thấy rằng, cả xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đều cần đến thi. Việc có một kỳ thi đáp ứng được cả 2 mục đích này là một sự cố gắng đổi mới để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 37/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội: “Tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực…”; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 1-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Nguồn: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục