Hỏi - đáp về bảo hộ lao động, an toàn lao động

06/01/2010 04:00

Nếu người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhânhoặc trang bị không đầy đủ cho người lao động thì người sử dụng laođộng bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Hỏi:Nếu người sử dụng lao động không trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động thì bị xử phạt như thế nào? Nếu người sử dụng lao động đã trang bị mà người lao động không sử dụng thì người lao động có bị phạt không?

Trả lời: Điều 22 của Nghị định 113/2004/NĐ-CP ngày 16-4-2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động quy định nếu người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc trang bị không đầy đủ cho người lao động thì người sử dụng lao động bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Theo điều 22 và 23 của Nghị định 113/2004/NĐ-CP nêu trên nếu người lao động đã được người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân mà họ không sử dụng thì bị phạt từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.

Hỏi:Trong quá trình lao động, nếu người lao động làm mất hoặc làm hỏng phương tiện bảo vệ cá nhân thì người sử dụng lao động có phải cấp lại hay không?

Trả lời: Khoản 8, mục IV của Thông tư số 14/1998/TT-BLĐTBXH ngày 28-5-1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân quy định: "khi bị mất, hư hỏng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị lại cho người lao động, nhưng nếu người lao động bị mất, làm hư hỏng mà không có lý do chính đáng thì phải bồi thường theo quy định của nội quy lao động cơ sở.

Theo quy định tại khoản 7 mục IV của Thông tư số 10/1998/TT-BLĐTBXH ngày 28-5-1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân thì "Người lao động khi được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân thì bắt buộc phải sử dụng phương tiện đó theo đúng quy định trong khi làm việc, không sử dụng vào mục đích riêng. Nếu người lao động cố tình vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng theo nội quy lao động của cơ sở mình hoặc theo quy định của pháp luật".

Hỏi: Khi nào người lao động được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân? Được trang bị phương tiện gì?
Trả lời: Người lao động  trong khi làm việc chỉ cần tiếp xúc  với một trong những yếu tố nguy hiểm, độc hại dưới đây thì được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân:
- Tiếp xúc với yếu tố vật lý xấu như: nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, áp suất, tiếng ồn, ánh sáng quá chói, tia phóng xạ, điện áp cao, điện từ trường,...
- Tiếp xúc với hóa chất độc như: hơi khí độc, bụi độc; các sản phẩm có chì, thủy ngân, mangan; ba zơ, a xít, xăng, dầu mỡ hoặc các hóa chất độc khác.
- Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại, môi trường vệ sinh lao động xấu như:
+ Vi rút, vi khuẩn độc hại gây bệnh;
+ Phân, nước, rác, cống rãnh hôi thối;
+ Các yếu tố sinh học độc hại khác.
- Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động hoặc làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động như: làm việc trên cao, làm việc trong hầm lò, làm việc trên sông nước, trong rừng,... hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác.

Người sử dụng lao động thực hiện việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Trong trường hợp các nghề, công việc chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà xét thấy có yếu tố nguy hiểm, độc hại không bảo đảm an toàn cho người lao động thì cho phép người sử dụng lao động tạm thời trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho phù hợp với công việc đó, nhưng phải báo cáo về Bộ, ngành, địa phương chủ quản để bổ sung vào danh mục.

Hỏi: Người lao động có phải trả tiền mua phương tiện bảo vệ cá nhân không? Người sử dụng lao động có thể cấp tiền cho người lao động tự đi mua phương tiện bảo vệ cá nhân được không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 8, 9 và 10 mục IV của Thông tư số 10/1998/TT-BLĐTBXH ngày 28-5-1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân thì:
- Người lao động không phải trả tiền cho việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; khi bị mất, hư hỏng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị lại cho người lao động nhưng nếu người lao động làm mất, làm hư hỏng mà không có lý do chính đáng thì phải bồi thường theo quy định của nội quy lao động cơ sở. Khi hết thời hạn sử dụng hoặc khi chuyển làm công việc khác thì người lao động phải trả lại những phương tiện bảo vệ cá nhân nếu người sử dụng lao động yêu cầu.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân. Người lao động có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao.
- Nghiêm cấm người sử dụng lao động cấp phát tiền thay cho việc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc giao tiền cho người lao động tự đi mua.

(Còn nữa)

Xem từ số báo ra ngày 23-10-2009

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỏi - đáp về bảo hộ lao động, an toàn lao động