Ngoài học phí, bảo hiểm, rất nhiều khoản lệ phí được các trường đại học thông báo cho thí sinh trúng tuyển phải đóng khi nhập học dù đang học trực tuyến.
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến năm 2021. Ảnh: T.P.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các trường thu lệ phí của tân sinh viên với nhiều khoản và nhiều mức khác nhau.
Từ vài trăm đến vài triệu đồng
Trường Đại học (ĐH) FPT thu lệ phí nhập học 4,6 triệu đồng. Những thí sinh đã đóng 4,6 triệu đồng "giữ chỗ" trước đây sẽ được chuyển thành phí nhập học. Đây là mức phí nhập học cao nhất trong các trường.
Tại các trường khác như ĐH Thái Bình Dương, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thu phí nhập học từ 700.000 - 900.000 đồng. Thí sinh trúng tuyển vào ngành dược Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương đóng phí nhập học 900.000 đồng trong khi các ngành khác đóng 700.000 đồng.
Trong khi đó, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông thu 750.000 đồng phí làm thủ tục nhập học. Kinh phí này gồm các khoản khám sức khỏe, đăng ký tạm trú, thẻ sinh viên, tài liệu học tập tuần lễ công dân đầu năm học, kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào...
Nhiều khoản phí khác như khám sức khỏe, kiểm tra tiếng Anh đầu vào, thẻ sinh viên cũng được nhiều trường thu với mức phí khác nhau. Có trường chỉ thu phí khám sức khỏe 60.000 đồng nhưng không ít trường thu đến vài trăm nghìn đồng. Trong đó, Học viện Chính sách và phát triển thu phí khám sức khỏe 300.000 đồng/sinh viên, phí làm thẻ sinh viên 50.000 đồng.
Ngoài ra, tài liệu học tập, đi thực tế tuần sinh hoạt công dân - sinh viên, giấy chứng nhận, phiếu khảo sát, hồ sơ sinh viên, sổ ngoại trú - nội trú, sổ tay sinh viên toàn khóa học... được trường gom chung thu 450.000 đồng/sinh viên. Như vậy, tổng các loại phí mà một sinh viên nhập học vào trường phải đóng là 800.000 đồng.
Tương tự, Trường ĐH Lao động xã hội cơ sở TP Hồ Chí Minh thu tiền khám sức khỏe 337.300 đồng/sinh viên. Ngoài ra, tân sinh viên phải đóng 442.000 đồng tiền thi Anh văn đầu vào, 50.000 đồng làm thẻ sinh viên.
Phí nhập học Trường ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh là 748.000 đồng, Trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm Trung ương Hà Nội 350.000 đồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 335.000 đồng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh 300.000 đồng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam 200.000 đồng, CĐ Xây dựng TP Hồ Chí Minh 250.000 đồng, Trường ĐH Đà Lạt 170.000 đồng, Trường ĐH Hoa Sen 110.000 đồng.
Thu cả "phí dịch vụ tuyển sinh"
Trường CĐ Nghề Phú Yên thu 290.000 đồng "phí dịch vụ tuyển sinh" khi thí sinh nhập học. Trường ĐH Buôn Ma Thuột thu phí nước uống 100.000 đồng mỗi sinh viên. Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh thu 100.000 đồng phí xử lý hồ sơ nhập học, bảng tên sinh viên, thẻ sinh viên. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội thu 150.000 đồng các khoản tài liệu, sổ tay sinh viên, sổ quản lý sinh viên và cơ sở vật chất khác.
Cùng đào tạo nhóm ngành sức khỏe với nhiều bậc đào tạo khác nhau như nhiều trường y khác nhưng Trường ĐH Y Hà Nội thu thêm nhiều khoản phí dịch vụ đào tạo như tiền phục vụ thư viện ngoài giờ 180.000 đồng/khóa với hệ bác sĩ, 120.000 đồng với hệ cử nhân, phí hoạt động áp dụng công nghệ sinh trắc học trong bảo đảm an ninh và cải cách thủ tục dự thi 90.000 đồng/khóa với hệ bác sĩ và 60.000 đồng với hệ cử nhân. Ngoài ra, trường này cũng thu thêm phí hỗ trợ dạy trực tuyến mức 60.000 đồng/10 tháng.
Với những dịch vụ phục vụ trực tiếp cho việc học, nghiên cứu của sinh viên, không ít trường vẫn thu lệ phí dù đã thu học phí. Trong đó, Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh yêu cầu thí sinh trúng tuyển phải đóng phí sử dụng dịch vụ thư viện số 90.000 đồng/khóa, dịch vụ nhắn tin 80.000 đồng/năm học.
Một thí sinh thắc mắc vì sao đã đóng học phí vẫn phải đóng thêm phí sử dụng thư viện số trong khi đây là điều kiện phục vụ bắt buộc của trường? Ông Nguyễn Xuân Phương, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết học phí cho đào tạo và sử dụng thư viện truyền thống của trường. Thư viện số là dịch vụ gia tăng, mở rộng hơn, sinh viên có quyền chọn sử dụng hay từ chối.
Tương tự, phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP Hồ Chí Minh cũng thu các loại phí liên quan đến thư viện và tài liệu học vụ. Trong đó, dịch vụ công nghệ thông tin và thư viện thu 250.000 đồng/sinh viên, tài liệu học vụ và khám sức khỏe 250.000 đồng/sinh viên.
Ông Võ Trường Sơn, Phó Giám đốc phân hiệu TP Hồ Chí Minh Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết đây là những khoản phát sinh do tình hình thực tế. Theo ông Sơn, dịch bệnh kéo dài, sinh viên phải học trực tuyến nên trường buộc phải đầu tư hệ thống giảng dạy trực tuyến riêng, trong đó có học liệu online.
"Ngoài việc phục vụ tại thư viện và các hoạt động cơ bản, sinh viên được truy cập các cơ sở dữ liệu mua ngoài, gửi các tài liệu học tập mà sinh viên mượn tại thư viện và các loại giấy tờ như: giấy xác nhận vay vốn, giấy xác nhận ưu đãi giáo dục cho sinh viên, kinh phí gửi bưu điện do trường chi trả.
Trường cung cấp các dịch vụ công ở mức độ 4 cho sinh viên như: cấp thẻ sinh viên, cấp bảng điểm, giấy xác nhận sinh viên, giấy xác nhận vay vốn, giấy trợ cấp ưu đãi, các tiện ích thanh toán học phí online, thanh toán không dùng tiền mặt..." - ông Sơn giải thích.
Không được "vẽ" thêm lệ phí ngoài học phí
Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính một trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh cho biết theo quy định, ngoài học phí, các trường công không được "vẽ" thêm các khoản phí, lệ phí như phí nhập học. Việc thu nhiều khoản phí không có trong quy định là do các trường tự "đẻ" ra.
Theo ông này, các trường công chưa tự chủ, toàn bộ nguồn thu phải chuyển về Kho bạc Nhà nước. Dù trường có tài khoản ngân hàng nhưng việc chi cũng thông qua Kho bạc Nhà nước, do ngân hàng thực hiện. Đối với trường tự chủ, học phí vẫn phải nộp về kho bạc, các khoản lệ phí có thể để lại sử dụng, gửi ngân hàng.
Theo Tuổi trẻ