Học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài: Khó nhân rộng ở các trường nông thôn

17/03/2018 18:14

Để việc học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài mang lại hiệu quả, các trung tâm ngoại ngữ cần tính toán mức học phí phù hợp với các đối tượng học sinh theo khu vực...


Học phí cao là một trong những rào cản làm cho việc thu hút học sinh gặp nhiều khó khăn

Thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), ngoài ở TP Hải Dương, nhiều trường học ở các huyện, thị xã trong tỉnh đã tổ chức việc học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (GVNN). 

Mới mẻ

Từ năm học 2015 - 2016, theo hướng dẫn của Sở GDĐT, bậc phổ thông bắt đầu triển khai thí điểm việc học tiếng Anh với GVNN theo hình thức tự nguyện. Trong đó, bậc tiểu học áp dụng cho học sinh các lớp 3, 4 và 5, bậc THCS ở các lớp 6, 7 và 8 và THPT ở lớp 10 và 11. Theo Sở GDĐT, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 37 trường có GVNN dạy (15 trường tiểu học, 15 trường THCS và 7 trường THPT), tăng 5 trường so với năm học 2015 - 2016. Trong đó đa số là các trường ở TP Hải Dương, chỉ có 7 trường ở các huyện, thị xã. 

Tham dự một tiết dạy tiếng Anh của GVNN ở Trường THPT Chí Linh, chúng tôi thấy không khí học tập diễn ra sôi nổi, nhẹ nhàng, khác với cách dạy của giáo viên các trường. Học sinh và GVNN liên tục trò chuyện, giao tiếp với nhau. Học sinh được nghe, nói nhiều hơn, qua đó vận dụng được vốn từ, kiến thức của mình. Hiện nay, trường có 5 lớp 10 học tiếng Anh với GVNN. Em Phan Thúy Hạnh, học sinh lớp 10A Trường THPT Chí Linh cho biết: "GVNN phát âm chuẩn, cách truyền đạt sinh động nên chúng em thấy hứng thú hơn với các tiết học. Chúng em có điều kiện rèn kỹ năng nghe, nói, tự tin, chủ động hơn. Từ đó tăng cơ hội khi tham gia các kỳ thi tiếng Anh qua mạng hoặc "săn" học bổng đi du học sau này".

Là trường chất lượng cao của huyện nên mấy năm nay, Trường THCS Lê Thanh Nghị (Gia Lộc) cũng duy trì việc học tiếng Anh với GVNN. Năm học này trường có 3 lớp 6, 2 lớp 7 triển khai chương trình này. Ngoài bố trí GVNN dạy trên lớp, các trung tâm ngoại ngữ còn phối hợp với các trường tổ chức những hoạt động ngoại khóa, sân chơi trí tuệ, câu lạc bộ, cuộc thi tiếng Anh... cho học sinh ít nhất 2 lần/kỳ. 

Học phí cao

Theo đánh giá của các trường, việc học tiếng Anh với GVNN có nhiều mặt tích cực nhưng để duy trì và triển khai rộng rãi chương trình này ở tất cả các khối lớp không hề đơn giản. Do còn nhiều bất cập nên năm học này có 6 trường đã dừng việc tổ chức học tiếng Anh với GVNN. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay là mức đóng học phí của lớp học có GVNN còn cao so với điều kiện kinh tế của hầu hết gia đình học sinh. Đã duy trì được 3 năm học nhưng đến hết học kỳ I năm học 2017 - 2018, Trường THPT Thanh Hà đành phải chấm dứt việc thuê GVNN giảng dạy dù học sinh vẫn có nhu cầu. Cô Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Hà cho biết mức đóng 50.000 đồng/tiết/học sinh quá cao so với thu nhập của người dân trong huyện. Trong khi học ngoại ngữ tại các trung tâm ở huyện, học sinh chỉ phải đóng 15.000 - 20.000 đồng/buổi (1 buổi thường 2 giờ).

Mức học phí cao, số lượng học sinh đăng ký ít không đủ để tổ chức lớp học cũng là nguyên nhân làm cho nhiều trường phải dừng việc đưa GVNN vào giảng dạy. Chỉ sau năm học 2016 - 2017 thực hiện, năm học này Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ) chỉ có gần 100 học sinh ở các khối lớp đăng ký nên không thể thuê GVNN giảng dạy. Còn Trường THCS Lê Thanh Nghị (Gia Lộc), mỗi học kỳ nhà trường chỉ ký hợp đồng với GVNN dạy 2 tháng bởi nếu thời gian học kéo dài, gia đình học sinh khó có thể theo được. 

Ngoài ra, do lịch học chính khóa đã kín nên nhiều trường không thể bố trí thời gian phù hợp cho GVNN về dạy. Từ tháng 10.2017, Trường THPT Kim Thành ký hợp đồng thuê GVNN về dạy tiếng Anh cho học sinh ở 4 lớp 10. Lịch học chính khóa buổi sáng đã lấp đầy nên nhà trường bố trí GVNN dạy vào buổi chiều thứ 6 hằng tuần. Cả buổi chiều, các em chỉ đến học 1 tiết rồi về nên rất lãng phí thời gian, các em phải đi lại vất vả thêm... Từ những bất cập trên, sau khi hoàn thành hợp đồng, đầu tháng 3.2018, nhà trường dừng thuê GVNN. Ngoài ra, chất lượng GVNN không đồng đều, một số người nghiệp vụ sư phạm còn yếu. Hơn nữa, thời gian học quá ít, chỉ có 1 tiết/tuần, sĩ số lớp đông (30 - 45 học sinh/lớp) nên học sinh ít có cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghe, nói, nhất là những em có trình độ trung bình. 

Bà Nguyễn Thị Liền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành đề xuất: "Để việc học tiếng Anh với GVNN mang lại hiệu quả, thu hút đông học sinh, các trung tâm ngoại ngữ cần tính toán mức học phí phù hợp với các đối tượng học sinh theo khu vực. Có thể vẫn thu mức tiền như cũ nhưng tăng thời lượng học lên 2 - 3 tiết/buổi".

Ông Lê Thanh Cường, Phó Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT cho biết thời gian tới sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các trung tâm ngoại ngữ lựa chọn GVNN có năng lực tốt, đủ hồ sơ theo quy định. Sở sẽ kiểm tra nội dung giảng dạy, chấn chỉnh sao cho phù hợp với từng đối tượng. Qua đó giúp học sinh có nhiều cơ hội thực hành, luyện tập phát triển kỹ năng giao tiếp. Chủ động nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình này.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài: Khó nhân rộng ở các trường nông thôn