Mạng xã hội hiện nay như đời sống xã hội thứ hai của phần lớn học sinh phổ thông. Thế giới mạng là ảo nhưng ảnh hưởng của nó tới học sinh là thật.
>> Bài 1: Muôn mặt của mạng xã hội
Con cái nghiện facebook trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh. Ảnh: Viettimes
Trong khi đó, sự quan tâm, định hướng của nhà trường và gia đình còn khá mờ nhạt.
Khi mạng xã hội là tri kỷ
Đối với học sinh phổ thông, mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong đời sống của các em. Các em có thể chia sẻ mọi thông tin của bản thân lên mạng xã hội, nhưng lại không thể tâm sự với cha mẹ. Các em tìm kiếm giải pháp cho mọi vấn đề bằng cách lên mạng tìm hiểu, nhắn tin qua mạng xã hội để hỏi bạn bè và mù quáng tin tưởng những lời khuyên mà thiếu đi sự phân tích.
Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau từ mâu thuẫn trên Facebook cho thấy các em đang sử dụng mạng xã hội theo chiều hướng tiêu cực, đáng báo động. Điển hình như các vụ đánh nhau của học sinh do mâu thuẫn trên mạng xã hội. Các hình ảnh bạo lực này còn được người tham gia ghi lại và đưa lên Facebook. Hay mới đây, một nam sinh lớp 8 có hành vi xúc phạm nhân phẩm một ban nhạc Hàn Quốc và cộng đồng hâm mộ họ trên Facebook khiến bản thân, gia đình và cả gia đình bị hăm dọa.
“Lời khuyên của bạn bè qua mạng xã hội nhiều và đa dạng, nhưng chủ yếu là hùa vào và tâm lý đám đông. Nếu không tỉnh táo thì rất dễ bị cuốn vào và đẩy sự việc đi xa, khó kiểm soát. Lúc ấy, dù có muốn tìm lời khuyên nào đó của người lớn cũng không dễ vì áp lực đám đông rất khó chịu, gần như không thể chống lại”, em Trần Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 10 Trường THPT Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Có khá nhiều học sinh cho biết không muốn tìm tư vấn của người lớn mà thường chia sẻ sự việc trong nhóm kín chỉ có bạn bè cùng lứa tuổi. Đối với các em thì “cách giải quyết của người lớn không nhanh, không hiệu quả và chúng em hoàn toàn tự giải quyết được”… và phần lớn các em tin vào những lời khuyên xuất phát từ mạng xã hội không một chút đắn đo.
“Chúng tôi thường nói với học sinh hãy chia sẻ với bố mẹ, với thầy cô giáo khi sự việc còn đơn giản. Đừng để đến lúc phức tạp thì hậu quả sẽ khôn lường. Thế nhưng, khi chúng tôi tiếp cận được thì sự việc đã trở nên quá khó để giải quyết, hậu quả nhìn thấy đã quá lớn. Chúng tôi có cảm giác, đối với các em, mạng xã hội như một người bạn thân thiết và đáng tin hơn rất nhiều”, thầy Chu Đăng Thiện, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Bài A (huyện Ba Vì, Hà Nội) tâm sự.
Sự loay hoay của người lớn
Nhiều phụ huynh "than trời" khi thấy con mình nghiện mạng xã hội. Họ tìm mọi cách ngăn cản, kiểm soát thời gian trực tuyến của con mình bằng cách tịch thu điện thoại, không lắp thiết bị Internet ở nhà. Thế nhưng, tất cả những việc làm đó cũng không kéo con họ trở lại gần gũi và chia sẻ với bố mẹ.
“Con tôi tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để truy cập mạng xã hội. Mở mắt ra là nó vớ ngay cái điện thoại. Đi học về, việc đầu tiên là chui vào một góc nhà rồi cắm mặt vào điện thoại, tay bấm liên hồi. Những câu chuyện giữa hai mẹ con thưa thớt dần dù tôi đã rất cố gắng chủ động hỏi’, chị Nguyễn Như Hoa (Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) tâm sự.
Đó cũng là chia sẻ của rất nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mới lớn. Họ coi chiếc điện thoại của con là nguyên nhân và tìm đủ mọi cách để cách ly con mình với nó. Thế nhưng, có một thực tế là họ không thể cấm con sử dụng điện thoại do những liên quan trong cuộc sống.
Theo một nghiên cứu của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, có mối tương quan chặt chẽ giữa thời gian sử dụng mạng với hành vi phạm tội và đạo đức của thanh, thiếu niên. Hơn 70% thanh, thiếu niên dùng mạng để chơi game trung bình 4 - 5 tiếng/ngày có hành vi phạm tội cao hơn hẳn so với người sử dụng thấp hơn.
Nghiên cứu này chỉ rõ hành vi của con người chính là hành vi tập nhiễm. Nếu các em sử dụng game online nhiều, trang web đen thì mô hình, hành vi đó nhiễm vào trong nhận thức của mỗi em. Nhiều hành vi ở ngoài cuộc sống là vô đạo đức, không lành mạnh thì ở trên mạng lại được cổ vũ. Trẻ em dễ nhầm lẫn hành vi trong game với hành vi trong thực tế. Ví dụ như việc chém giết hay tước đoạt lợi ích của người khác khi chơi game lại được coi là hành vi anh hùng. Điều này lý giải vì sao nhiều tội phạm vị thành niên khi bị bắt đều khai rằng hành vi đó học qua mạng, phim ảnh, chơi game.
“Tôi thực sự lo lắng sau khi nghe câu chuyện về một bệnh nhân 14 tuổi bị nghiện Facebook ở Hà Nội khi bệnh nhân này vào mạng internet 12-14 tiếng mỗi ngày, đi học về là đóng cửa phòng chỉ dùng Facebook. Nhiều người nói không nên cấm mà hãy hướng dẫn con dùng mạng xã hội cho đúng bởi những lợi ích của mạng xã hội và sự thật là cũng không thể cấm được”, chị Trần Thị Bình (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Cấm hay không cấm con sử dụng mạng xã hội? Đó là câu hỏi luôn làm đau đầu các bậc cha mẹ, bởi cấm cũng không nổi mà cho phép thì lại không yên tâm. Thế nên, ngay lúc này, sự quan tâm, định hướng của gia đình và nhà trường là rất cần thiết.
Theo TTXVN
Bài cuối: Cần định hướng của gia đình và nhà trường