Học sinh Tứ Kỳ sáng chế máy chống dịch

10/12/2020 18:02

Với đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, nhiều học sinh ở huyện Tứ Kỳ đã làm ra sản phẩm có khả năng ứng dụng trong phòng chống dịch Covid-19.


Em Phạm Quang Vinh, học sinh lớp 9 Trường THCS Ngọc Kỳ đã sáng chế ra chiếc máy xịt dung dịch sát khuẩn đa năng

Máy xịt dung dịch sát khuẩn đa năng

Chiếc máy này do em Phạm Quang Vinh, học sinh lớp 9 Trường THCS Ngọc Kỳ nghiên cứu, sáng chế. Máy đã được thử nghiệm tại một số doanh nghiệp, trường học trong huyện và tham dự trưng bày tại Techfest Việt Nam 2020 - Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 26-29.11) và vừa được đăng ký sáng chế độc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ.

Máy xịt dung dịch sát khuẩn đa năng này dài 50 cm, rộng 50cm, cao 140 cm, nặng 30 kg. Máy có các bộ phận chính như bình chứa dung dịch sát khuẩn, bơm piston, ống dẫn dung dịch, cảm biến vật cản quang học hồng ngoại, bộ công tắc nguồn, hệ thống dây dẫn điện… Điểm nổi bật là máy có thể hoạt động cả lúc có điện và khi mất điện. Khi có điện, người dùng chỉ cần đưa 2 bàn tay vào buồng xịt dung dịch là cảm biến tự hoạt động. Khi mất điện, người dùng sẽ đạp chân lên bàn đạp để kích hoạt hệ thống phun sương. Máy có thể điều chỉnh độ tơi của màn sương. Quá trình ứng dụng thực tế cho thấy mỗi người chỉ cần 1-2 giây để khử khuẩn tay với chiếc máy này. Mỗi lần nạp đầy dung dịch, máy có thể sát khuẩn tay cho 4.000-10.000 người. So với các loại máy sát khuẩn tay hiện có trên thị trường, máy do Vinh sáng chế được đánh giá nhỏ gọn hơn, giá thấp hơn.

Vinh chính là con trai của nhà sáng chế Phạm Văn Hát - một người nổi tiếng trong lĩnh vực sáng chế nông cụ. “Giống như bố mình, Vinh rất ham nghiên cứu khoa học công nghệ. Em ấy đã trải qua 8 tháng liên tục cùng bố và cô giáo mày mò nghiên cứu mới cho ra đời được sản phẩm này”, thầy giáo Phạm Quang Duân, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Kỳ thông tin. 

Anh Hát cho biết Vinh thường xuyên xem ti vi, truy cập internet để tìm hiểu về các loại máy sát khuẩn tay. Anh rất ủng hộ con trai nghiên cứu sáng chế ra loại máy này và chỉ giúp con trong quá trình lắp ráp. Riêng công đoạn nghiên cứu cấu tạo, nguyên lý hoạt động, anh muốn con trai phải tự làm để khơi dậy niềm đam mê sáng tạo.

Máy đo thân nhiệt và khử khuẩn tự động

Sản phẩm này ra đời xuất phát từ ý tưởng của 2 học sinh lớp 9 Trường THCS Minh Đức là Nguyễn Thị Huyền Trang và Nguyễn Ngọc Thiện. “Chúng em thấy dịch Covid-19 diễn biến khó lường và gây thiệt hại nặng nề cho toàn thế giới. Do đó, chúng em đã quyết tâm nghiên cứu ra một chiếc máy để có thể góp phần khống chế dịch bệnh lây lan”, em Thiện chia sẻ.

Mặc dù quá trình nghiên cứu sáng chế sản phẩm gặp nhiều khó khăn, song nhờ có sự tư vấn, trực tiếp giúp đỡ của thầy giáo và cha mẹ học sinh nên máy đo thân nhiệt, khử khuẩn tự động của nhóm học sinh trên đã hoàn thành như mong đợi. Máy cao 2,1 m, dài 1 m, rộng 1 m, có 2 bộ phận đo thân nhiệt và sát khuẩn. Khi có người đi vào, cảm biến nhận biết sẽ lệnh cho các bộ phận làm việc theo chu trình đã cài đặt 10 giây/lần khử khuẩn.

Chiếc máy trên có thể tận dụng được các nguyên liệu phế thải của xưởng nhôm kính, ắc quy, mô tơ, các cục trung gian, bánh xe... Việc chế tạo ra chiếc máy này đã khắc phục được nhiều hạn chế của các máy khử khuẩn hiện có trên thị trường. Sản phẩm chỉ có giá khoảng 5 triệu đồng, dễ vận hành, thuận lợi cho quá trình vận chuyển, thân thiện môi trường, không gây ô nhiễm, tiếng ồn. 

Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 do Phòng Giáo dục và Đào tạo Tứ Kỳ tổ chức có 4 sản phẩm công nghệ liên quan tới chủ đề phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, 2 chiếc máy trên đã đoạt giải nhất và được lựa chọn tham dự cuộc thi cấp tỉnh. Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cho biết những chiếc máy này đều đã được thử nghiệm trong thực tiễn và đạt kết quả khả quan, phù hợp với những nơi đông người như trường học, bệnh viện… Nếu được đầu tư nghiên cứu, điều chỉnh thêm thì việc đưa những loại máy này vào sử dụng rộng rãi là hoàn toàn có thể.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Học sinh Tứ Kỳ sáng chế máy chống dịch