Đề tài do 2 học sinh Ngô Ngọc Anh và Phạm Ngọc Định, lớp 12A, Trường THPT Thành Đông thực hiện.
Đề tài nghiên cứu khoa học “Xử lý nước thải cơ sở sản xuất bánh đậu xanh bằng đá vôi, xỉ than, than trấu hoạt tính
và bèo tây” do 2 học sinh Ngô Ngọc Anh và Phạm Ngọc Định, lớp 12A, Trường THPT Thành Đông thực hiện
Đề tài nghiên cứu khoa học “Xử lý nước thải cơ sở sản xuất bánh đậu xanh bằng đá vôi, xỉ than, than trấu hoạt tính và bèo tây” của Trường THPT Thành Đông (TP Hải Dương) đã trở thành một trong ba đề tài đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ II do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Đề tài do 2 học sinh Ngô Ngọc Anh và Phạm Ngọc Định, lớp 12A, Trường THPT Thành Đông thực hiện. Gặp gỡ 2 cô học trò xinh xắn này, tôi không khỏi ngạc nhiên vì đề tài các em chọn nghiên cứu đòi hỏi kiến thức liên môn khoa học tự nhiên như hóa học, sinh học, vật lý, toán học, công nghệ… thường là thế mạnh của nam giới. Em Ngọc Anh cho biết: "Ý tưởng nghiên cứu của bọn em xuất phát từ việc chúng em nhận thấy Hải Dương có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh đậu xanh. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gặp khó khăn về kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải với quy mô lớn và công nghệ cao. Nước thải thường có màu trắng đục, gây mùi hôi thối, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân. Bọn em đã nung nấu ý tưởng về một thiết bị có thể xử lý nước thải hiệu quả, đơn giản và chi phí thấp, thân thiện với môi trường". Từ ý tưởng đó, các em được cô Phạm Thị Thủy, giáo viên môn hóa học nhà trường giúp sức thực hiện đề tài này. Từ ngày ý tưởng thai nghén đến khi hoàn thành là khoảng thời gian gần 3 tháng rất vất vả của ba cô trò. Do thời gian học chính khóa cả sáng và chiều nên các em phải tranh thủ giờ ra chơi, cuối giờ học buổi chiều để thảo luận, đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu cũng như liên hệ với chủ các cơ sở sản xuất bánh đậu xanh để khảo sát, phân tích thực trạng nước thải, lấy mẫu, kiểm tra thành phần và xây dựng mô hình hệ thống xử lý nước thải. Trong quá trình thực hiện, các em phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu, nhất là những tài liệu chuyên ngành vượt quá kiến thức trong sách giáo khoa. Nguồn tài liệu được cô Thủy và các em tìm trên mạng và xin được từ thạc sĩ Nguyễn Thế Mạnh, Phó Trưởng phòng Công nghệ môi trường (Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh). Sau khi nghiên cứu tài liệu, bắt đầu có hình dung và tích lũy được các phương pháp nghiên cứu khoa học, cô Thủy đã giúp các em liên hệ với các cơ sở sản xuất bánh đậu xanh để xin tài liệu cũng như lấy mẫu nước thải đem về Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh kiểm nghiệm. Có được kết quả này, các em bắt tay phác thảo mô hình thiết bị xử lý. Sau khi tham khảo nhiều tài liệu cũng như thực nghiệm, ba cô trò đã thống nhất lựa chọn đá vôi, xỉ than, than trấu hoạt tính và bèo tây để lọc nước thải vì đây là những nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền.
Mô hình thiết bị của 2 em gồm 4 bình lọc mắc nối tiếp với nhau. Bình 1 xử lý sơ bộ gồm 2 lớp chắn để lắng lọc các chất rắn lớn, thể tích 10 lít; bình 2 hình hộp chữ nhật, thể tích 10 lít, phía trên là đá vôi, phía dưới là lớp xỉ than; bình 3 thể tích 5 lít đựng than trấu hoạt tính, cuối cùng là máng thả bèo tây. Bèo tây hấp thụ ni-tơ tốt, đá vôi là tác nhân trung hòa được các loại a-xít để nâng PH. Xỉ than có tác dụng lọc thô cho bước hấp thụ của than trấu hoạt tính ở bình 3 tốt hơn. Than trấu hoạt tính có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, hấp thụ được chất gây mùi, màu của nước thải. Xử lý nước thải qua thiết bị của các em đã cho kết quả tốt. Thời gian xử lý 6 ngày, ngắn hơn các hệ thống xử lý nước thải trên thị trường 4 đến 6 ngày, chi phí thấp vì sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có. Chính vì vậy, mô hình hệ thống xử lý nước thải của các em đã vượt qua nhiều ứng viên và đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học.
VIỆT QUỲNH