Khổ vì học, phải học sao luôn dẫn đầu lớp, phải đỗ trường chuyên, phải vào lớp chọn, phải giành các giải thưởng thi học sinh giỏi và năng khiếu... Bao nhiêu chữ "phải" là bấy nhiêu áp lực đè nặng con trẻ.
Giáo dục không chỉ tập trung vào kiến thức, điểm số mà rất cần phát triển kỹ năng cho học sinh. Trong ảnh: Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường của một trường tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh: NHƯ HÙNG
Mùa kiểm tra cuối kỳ đang về. Rồi đây, điểm số được công bố, thành tích được ghi nhận. Có nụ cười hỉ hả và có cả giọt nước mắt buồn tủi vì lời trách mắng của mẹ cha...
Áp lực học hành chưa bao giờ thôi đè nặng con trẻ suốt năm dài tháng rộng. Bao nhiêu đứa trẻ từ ngày thơ bé bị bắt rời trường mầm non đến lớp học chữ trước chương trình lớp 1 kẻo thua bạn kém bè?
Bao nhiêu đứa trẻ nối dài việc học ở trường sang lớp học thêm phải ăn vội trên đường, ngủ gà gật mọi lúc? Bao nhiêu đứa trẻ thèm khát vô cùng khoảng thời gian nghỉ ngơi vui chơi khi lời hứa của mẹ cha cứ nối dài: "Xong kỳ thi này con sẽ được chơi thoải mái!"?
Cuộc đua người lớn, trẻ con lãnh đủ
Điểm 9 là điểm giỏi, mà con trẻ tiểu học vẫn phải giành giật bằng được con điểm 10 tròn trịa mới hài lòng cha mẹ. Phải học sao luôn dẫn đầu lớp, phải đỗ trường chuyên, phải vào lớp chọn, phải giành thêm các giải thưởng thi học sinh giỏi và năng khiếu... Bao nhiêu chữ "phải" là bấy nhiêu nỗi lo cùng sự ám ảnh không dứt của bọn trẻ ào ạt chạy theo cuộc đua thành tích của người lớn.
Chúng ta ép con học và bao biện rằng mình làm tất cả vì tương lai của con. Chúng ta cắt xén giờ ăn ngủ nghỉ để đẩy con đến lớp học thêm rồi lấp liếm rằng tất cả chỉ vì hạnh phúc sau này trên con đường lập thân lập nghiệp của bản thân trẻ.
Nhưng có bao giờ chúng ta nhìn vào bức tranh hiện tại của những đứa trẻ mướt mồ hôi học hành, cặm cụi đuổi theo từng nấc thang thành tích mà cha mẹ đặt ra? Để thấy mắt con vương buồn, môi con ít hé nụ cười và tâm hồn con cứ sóng sánh cơn âu lo, le lói cơn trầm cảm?
Xung quanh chúng ta là vô số đứa trẻ lớn lên trong sự kỳ vọng ngày càng cao của phụ huynh đặt trọn vào việc học. Là vô số bạn nhỏ luôn bị áp cái khuôn về sự giỏi giang thông qua điểm số, thành tích, danh hiệu, bằng cấp. Là vô số thanh xuân cặm cụi học hành rồi thỉnh thoảng vỡ òa giấc mơ thoát cái mác "con ngoan, trò giỏi, học sinh xuất sắc"...
Đồng hành cùng con
Khi tiếng trống bế giảng năm học vang lên, mùa trao tặng giấy khen, phần thưởng rộn ràng. Và mạng xã hội lại ngập tràn cơn mưa khoe giấy khen, cơn bão khoe thành tích của mẹ cha...
Chỉ mong ai kia đừng cứ ngắm ngước mãi về "con nhà người ta" mà quay ngoắt sang chê bai và phủ nhận nỗ lực của đứa trẻ cạnh bên mình! Mong ai kia đừng khư khư giữ định kiến đánh giá năng lực của một đứa trẻ thông qua các kỳ thi! Mong ai kia thấu hiểu con cái chúng ta đã học hành vất vả thế nào, vượt qua kỳ thi nhọc nhằn ra sao để nhẹ lời nói, lơi ánh mắt, bớt câu dằn hắt, thôi cái nhìn đe nẹt.
Bởi điểm số, thành tích cuối cùng cũng chỉ là "tấm áo khoác" của trẻ! Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng, có năng khiếu và sở thích khác biệt. Chúng ta đừng bao giờ áp một cái khuôn bắt mọi đứa trẻ phải giỏi đều các môn, xuất sắc ở mọi khía cạnh và thành công ở tất cả thời điểm!
Yêu thương con đúng cách là đồng hành cùng con bước qua từng nấc thang trưởng thành với tính kiên nhẫn, lòng bao dung và cả sự thấu hiểu. Song hành cùng con, phát hiện và vun bồi năng lực thực sự của trẻ chính là ướm cho con "chiếc áo" vừa vặn, thoải mái và hữu ích!
Theo Tuổi trẻ