Học sinh đi mô tô, xe máy: Nguy hiểm rình rập

21/03/2018 10:10

Học sinh lái xe mô tô, xe máy gây mất trật tự, ATGT là mối nguy hiểm đã được cảnh báo từ lâu. Nhiều vụ va chạm và TNGT nghiêm trọng đã xảy ra.


Nhiều học sinh đi mô tô đến trường

Không giấy phép vẫn được lái xe

Vài năm trở lại đây, việc học sinh đi xe mô tô, xe máy đến trường không còn hiếm. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, rất nhiều học sinh đi học bằng loại phương tiện này không đội mũ bảo hiểm. Nhiều em còn đi thành nhóm, dàn hàng ngang, vừa đi vừa trêu đùa, thậm chí lạng lách, phóng với tốc độ cao nên rất nguy hiểm.

Theo quy định, người đủ sức khỏe, đủ 18 tuổi mới được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) và được phép điều khiển mô tô (loại xe dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên). Thế nhưng người điều khiển xe máy (dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở xuống) thì lại không cần GPLX. Như vậy, nhận thức của những học sinh đi xe mô tô, xe máy về Luật Giao thông đường bộ chắc chắn còn rất hạn chế do các em chưa được học luật. Học sinh đi mô tô còn nguy hiểm hơn vì phương tiện này có tốc độ di chuyển cao và các em đều không có GPLX do chưa đến tuổi được cấp. 

Trung tá Nguyễn Văn Hướng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cho biết toàn tỉnh hiện đang quản lý 1.045.912 mô tô, xe máy. Mỗi tháng, chỉ có khoảng 100 xe máy được đăng ký mới tại Đội đăng ký của phòng, chủ yếu của các gia đình mua cho con đi học. Nhưng nếu tính cả một số huyện được cấp quyền đăng ký thì số lượng xe máy được đăng ký mới mỗi tháng khá cao. Giá một chiếc xe máy hiện dao động từ 10 - 13 triệu đồng, không cao hơn nhiều so với mô tô điện, xe đạp điện, xe máy điện nên lượng phương tiện này không ngừng gia tăng.

Theo thiếu tá Nguyễn Huy Đông, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự, cơ động (Công an huyện Nam Sách), học sinh được phép đi xe máy mà không cần GPLX  rất nguy hiểm. Các em chưa nắm vững những quy tắc, nội dung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý không phù hợp khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Mặc dù số lượng học sinh đi mô tô, xe máy trên địa bàn huyện không nhiều song luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Ngày 25.12.2017, tại km74 + 700 quốc lộ 37 đoạn qua xã Quốc Tuấn xảy ra vụ TNGT liên quan đến học sinh đi xe máy làm 1 em tử vong, 1 em khác bị thương. Hai em học sinh là Mạc Trung K. và Nguyễn Văn T. (cùng sinh năm2002, ở xã Thanh Quang) chở nhau bằng xe máy 34A -049.12 đã va chạm với mô tô ngã ra đường và bị ô tô đầu kéo cán phải.

Nhà trường và gia đình cần quản lý chặt chẽ

"Mặc dù pháp luật cho phép học sinh được đi xe máy, song nếu gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng không quan tâm nhắc nhở thì luôn tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, ATGT. Nếu không may va chạm, TNGT xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của các em", trung tá Đặng Quang Tam, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự, cơ động (Công an huyện Bình Giang) khẳng định. Nhận thức được tầm quan trọng này nên Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng CSGT cùng với tuần tra, xử lý vi phạm còn phải chú trọng nhắc nhở học sinh, nhất là những em điều khiển xe máy đi lại an toàn. Đơn vị định kỳ phối hợp với các trường học tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tự bảo đảm ATGT, đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, chất lượng, không được lái mô tô... Do đó, nhiều năm nay trên địa bàn huyện không xảy ra TNGT nghiêm trọng liên quan đến học sinh.

Theo thầy giáo Trần Văn Ta, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Giàng, học sinh đang ở lứa tuổi hiếu động, nếu thiếu quan tâm nhắc nhở các em dễ bốc đồng, thể hiện khi đi xe máy sẽ rất nguy hiểm. Do đó, ngay từ đầu các năm học, Trường THPT Cẩm Giàng đều xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch bảo đảm trật tự, ATGT cho học sinh. Phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân xung quanh trường cam kết không trông giữ xe của học sinh chưa đủ điều kiện lái xe mô tô. Đồng thời chủ động kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nếu các em chưa đến tuổi hoặc chưa có GPLX sử dụng mô tô đi học. Do duy trì thực hiện nghiêm kế hoạch và sự quan tâm tích cực của các đoàn thể nên nhiều năm qua học sinh của trường không liên quan đến TNGT. "Tuy nhiên, ngoài nhà trường thì các gia đình cần tiếp tục quan tâm giáo dục, nhắc nhở con em chấp hành tốt pháp luật giao thông, đội mũ bảo hiểm chất lượng, tự trau dồi kỹ năng lái xe máy để bảo đảm trật tự, ATGT", thầy Trần Văn Ta nói.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh đi mô tô, xe máy: Nguy hiểm rình rập