Một số học sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam đề xuất tư nhân hóa trường chuyên. Các em cũng mong muốn được giáo viên tôn trọng cá tính, sự khác biệt.
Buổi góp ý có sự góp mặt của đại diện phụ huynh, gần 100 học sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Được Ban tổ chức yêu cầu hãy đóng vai những đại biểu đang gánh vác trọng trách, nhiều em đã đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi rất nghiêm túc.
Cần giáo viên tôn trọng sự khác biệt
Phần lớn các ý kiến tập trung liên quan đến quyền lợi của người học như: Có nên tư nhân hóa trường chuyên, vấn đề bình đẳng giới trong trường học…
Hội đồng thẩm định luôn ý thức thường xuyên vấn đề bất bình đẳng giới như học sinh đã chỉ ra và sắp tới sẽ khắc phục triệt để |
Theo em Hạnh Nguyên, học sinh lớp 11 Sử, vấn đề bình đẳng giới đã có nhiều cải thiện nhưng ở miền núi, nam giới vẫn được ưu tiên hơn nữ. Phụ nữ hay bị rơi vào tảo hôn hoặc chỉ tham gia nội trợ. Trong trường học, vẫn còn định kiến nam giới học môn tự nhiên, nữ giới học xã hội. Vì vậy theo học sinh này, cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về vấn đề bình đẳng giới trong luật.
Linh Khánh - lớp 11 Sử cũng nhận xét, chúng ta đang ngày càng thực hiện tốt hơn vấn đề bình đẳng giới. Tuy nhiên, hiện trong sách giáo khoa (SGK), hình ảnh và nội dung còn nhiều bất bình đẳng.
Chẳng hạn, nam giới xếp vào các nhóm ngành bác sĩ, cảnh sát, kĩ sư; Nữ giới làm nông, nhân viên, y tá, hộ lý, nội trợ… Các nhân vật quan trọng, các danh nhân đưa vào SGK đều là nam.
Các hình ảnh học sinh nghịch ngợm đều xếp vào học sinh nam, điều này là bất bình đẳng bởi không phải bạn nam nào cũng nghịch, không phải bạn nữ nào cũng ngoan. Chính những điều này khiến các em bị ép vào khuôn khổ của quan niệm, làm hạn chế khả năng của từng cá nhân.
Vì vậy học sinh này đề xuất, những nội dung trên trong SGK cần thay đổi để thể hiện sự công bằng giới tính một cách bền vững về sau.
Học sinh Thùy Dương thì cho rằng, dù ở Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam là môi trường đặc thù nên các thầy cô đã khá tôn trọng cá tính của học trò. Tuy nhiên, bạn bè em ở nhiều trường khác nhau đều “kêu” rất nhiều về việc không được thầy cô tôn trọng cá tính, suy nghĩ riêng của học sinh.
"Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà cần tôn trọng cá tính của học trò, bởi trường chuyên có những nét khác biệt", Thùy Dương mong muốn.
Một nam sinh đến từ lớp 11 Sử cũng đưa ra thí dụ về việc bất bình đẳng giới với cộng đồng người đồng tính hiện nay.
Em cho hay, có giáo viên phát hiện ra học sinh mình đồng tính nhưng không cho các em cơ hội được nhận. Do đó, nam sinh này cho rằng, cần bổ sung phần này bởi đây là vấn đề quốc tế, liên quan đến khá nhiều vấn đề trong xã hội.
Trường công chỉ giáo dục “đại trà”
Nhận xét trên vai trò và quyền lợi của người học, Thúy Hiền, học sinh lớp 11 Văn cho rằng, cần tư nhân hóa các trường chuyên để hướng tới giáo dục chất lượng cao. Tại sao cũng là trường công nhưng đào tạo khác nhau. Do đó, đầu tư cho trường chuyên còn hệ thống giáo dục công lập chỉ nên thực hiện vai trò giáo dục “đại trà”.
“Nên để tư nhân hóa các trường chuyên. Học sinh hãy thi đỗ và nộp một khoản học phí xứng đáng với những gì mình được hưởng. Những đối tượng học sinh nghèo, cần có chế độ học bổng”, Thúy Hiền phát biểu.
Học sinh Thúy Hiền mong muốn được tư nhân hóa trường chuyên |
“Phản pháo” ý kiến này, em Hạnh Nguyên cho rằng, việc tư nhân hóa trường chuyên không khả thi và không bình đẳng bởi nếu đa phần học sinh không có đủ điều kiện chi trả học phí, ai sẽ đứng ra? Học sinh muốn học chuyên, phải trả học phí rất cao thì rất bất công.
Đóng góp ý kiến về điều này, học sinh Thúy Hiền cho rằng, muốn tư nhân hóa trường chuyên, trường chất lượng cao, nên kêu gọi xã hội hóa giáo dục.
“Trường chuyên đào tạo nhân tài cho đất nước nhưng nhân tài tồn tại hay không, khi hầu hết những em này đều nuốn đi nước ngoài và không muốn vào các ngành chuyên môn hoặc nghiên cứu”, Thúy Hiền băn khoăn.
Tư nhân hóa trường chuyên: Chưa phù hợp
Phát biểu tại buổi tọa đàm đóng góp ý kiến, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), ghi nhận và đánh giá rất cao các ý kiến góp ý thẳng thắn, đầy trách nhiệm của học sinh liên quan tới những vấn đề thiết thực với các em.
Ông Linh cho biết, tất cả những ý kiến góp ý sẽ được gửi tới Ban soạn thảo luật Giáo dục sửa đổi để xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo luật này.
Cũng theo ông Linh, bình đẳng giới khái niệm nghiên cứu phức tạp và đặc biệt bất cập trong môi trường giáo dục nên ban soạn thảo luật sẽ có những chất liệu để bù đắp và thực hiện tốt hơn. Điều cốt lõi là cơ hội học tập làm sao mở rộng cả nam cả nữ để phát triển cơ hội học tập của mỗi cá nhân.
Nam sinh lớp 11 Sử cho rằng, vấn đề học sinh đồng tính đang thiếu được quan tâm trong nhà trường hiện nay |
"Về vấn đề bất bình đẳng giới trong SGK, ở nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đã cập nhật nhiều vấn đề bình đẳng giới trong thời điểm hiện nay. Hội đồng thẩm định luôn ý thức thường xuyên vấn đề như học sinh đã chỉ ra và sắp tới sẽ khắc phục triệt để", ông Linh chia sẻ.
Về chủ trương xã hội hóa trong giáo dục đào tạo, theo ông Linh, với bậc học thấp, chúng ta tạo cơ hội cho đầu tư để đón nhận học sinh sao cho mang tính đại trà.
Ở các bậc học cao, cần có nhiều mô hình đáp ứng được nhiều nhu cầu của người học và khả năng chi trả. Với chính sách phải đảm bảo và ưu tiên các vùng yếu thế.
Phó Hiệu trưởng Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đồng tình với quan điểm trên khi lý giải, việc tư nhân hóa trường chuyên sẽ không dành cho đại đa số gia đình và đối tượng học sinh có điều kiện vừa phải. Nếu tư nhân đầu tư, mức học phí cao, nhiều người sẽ không đủ điều kiện theo học.
Theo VOV.vn