Học online là xu thế tất yếu của thời kỳ chuyển đổi số. Với các thiết bị hỗ trợ tương tác, thầy trò Trường liên cấp Everest được trải nghiệm những tiết học mà trước đây chỉ có trong "phim viễn tưởng".
Công nghệ thông tin đã hỗ trợ tối đa việc dạy và học
Học sinh hứng thú
Với kinh nghiệm dạy học trực tuyến, thầy Nguyễn Văn Dũng, giáo viên toán tại Trường liên cấp Tiểu học và THCS Everest (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Dạy và học online thông qua bộ công cụ tương tác thông minh U-Pointer, phần mềm giảng dạy i-Pro kết hợp các phần mềm trực tuyến thông dụng hiện nay như Zoom, Google meet, Microsoft team… đem lại hiệu quả bất ngờ.
Hệ thống gồm một máy chiếu hoặc màn hình tivi thông thường, bộ công cụ tương tác thông minh (U-Pointer) và phần mềm giảng dạy i-Pro. Cả thầy và trò đều có thể tương tác, viết, vẽ, xóa… dễ dàng trên bất kỳ mặt phẳng (bảng từ trắng, bảng phấn thông thường hoặc màn hình tivi).
Thầy Dũng chia sẻ: Dạy học bằng bảng tương tác hay màn hình tương tác thông thường trước đây không thể đáp ứng yêu cầu viết vẽ nhanh hay dạy online liền trong 7-8 tiếng đồng hồ. Từ khi có hệ thống này, giáo viên không phải chuẩn bị tài liệu cứng, đồ dùng dụng cụ, bớt đi nhiều công đoạn mà giảng dạy thông thường mất khá nhiều thời gian.
Với phương pháp này, người học có thể theo dõi từng chữ, câu trong bài giảng, có cả phần nháp của giáo viên nên không khác nhiều so với dạy trực tiếp.
Trong khi đó, theo thầy Đỗ Xuân Sỹ - chuyên gia ôn thi các môn khối tự nhiên THCS, THPT, ưu điểm lớn nhất của bộ công cụ U-Pointer là tốc độ viết nhanh hơn so với viết trên bảng phấn truyền thống, không có bụi. Ngoài ra, bài giảng có màu sắc phong phú tăng sự hấp dẫn.
“Đặc thù của việc luyện thi là tiết học diễn ra nhanh, nội dung kiến thức nhiều nên học sinh không theo kịp bài giảng là chuyện bình thường. Do vậy, khi có bộ công cụ hỗ trợ trên, tôi có thể chuyển ngay bất cứ phần bài giảng vào Facebook, Zalo… cho học trò và ngược lại.
Cô Phạm Bích Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường liên cấp Tiểu học và THCS Everest chia sẻ: Trải nghiệm 2-3 năm, tôi thấy bộ thiết bị này đặc biệt phù hợp với giáo viên thuộc khối khoa học - tự nhiên.
Chẳng hạn tìm tọa độ trên mặc phẳng Oxy trong môn Toán, nếu mình chỉ chiếu lên màn hình thì mất tính tương tác. Nhưng học sinh được cầm bút thông minh để tìm tọa độ, thầy chấm điểm và đánh giá ngay tại chỗ, các em sẽ hứng thú.
Bên cạnh đó, giáo viên có thể viết, vẽ trực tiếp lên màn hình ảo và tùy theo mong muốn như: thay đổi độ dày nét vẽ, đổi màu vẽ, chèn hình minh họa… thậm chí có thể sử dụng thước kẻ ảo để đo khoảng cách chính xác.
Vai trò giáo viên không bị ‘lu mờ’
Theo thầy Nguyễn Văn Dũng, tuy có sự hỗ trợ của công nghệ thông minh nhưng các thầy cô cần xác định rõ trọng tâm kiến thức truyền thụ đến học sinh. Để học sinh dễ tiếp nhận, GV nên lồng ghép những trò chơi, đố vui liên quan đến kiến thức để tạo sự sinh động cho bài học , phát huy tính tích cực, chủ động của trò.
Giáo viên cần căn cứ vào đặc thù và điều kiện của học sinh để lựa chọn phần mềm phù hợp. Bên cạnh đó, chất lượng đường truyền Internet (nếu dạy và học trực tuyến), máy móc… luôn phải bảo đảm. Giáo viên cần hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách khai thác bài giảng, tài liệu, câu hỏi, bài tập gửi qua Email, Zalo... để sau mỗi tiết học, học sinh có tài liệu để thực hành thêm tại nhà.
“Máy móc hiện đại đến đâu vẫn phụ thuộc vào người sử dụng. Giáo viên phải hay dùng, chịu khó tìm tòi vận dụng, phối hợp thêm các phần mềm hỗ trợ khác. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng chứ không phải số lượng bài giảng”, thầy Dũng nhấn mạnh.
Cô Hồng nhận định thêm: Nguy cơ trẻ em bị bắt nạt trên mạng (Cyber bullying hoặc Cyberharassment) là hiện hữu. Do vậy, việc có hệ thống an ninh mạng đủ mạnh để tránh những nguồn thông tin có hại, nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài làm loãng quá trình học tập của học sinh rất quan trọng. Nhưng máy móc chỉ hỗ trợ một phần, vai trò định hướng, phương pháp xử lý tình huống bất ngờ vẫn phụ thuộc vào giáo viên đứng lớp.
Theo Giáo dục và Thời đại