Học nhiều lớp kỹ năng, học sinh lớp 12 hỏi đụng vào lửa có bị... giật như điện

27/10/2019 21:47

Học giỏi, được mẹ cho học nhiều lớp kỹ năng, cháu tôi là học sinh lớp 12 khiến cả nhà tròn mắt khi hỏi đụng vào lửa có bị giật giống điện?


Nhiều học sinh ngày nay chỉ biết học và học mà không được trải nghiệm hàng ngày, từ chuyện tự chăm sóc bản thân đến làm việc nhà

Cháu là con trai, lại học giỏi nên anh chị tôi không cho cháu làm bất cứ việc gì ngoài học và cũng không có gì lo lắng khi cháu đặt ra câu hỏi ngô nghê như thế.

Thế nên, cậu con trai cấp 3 không biết xoay sở thế nào khi bố mẹ đi vắng...

''Thời buổi này không học kỹ năng có mà vứt''

Câu cửa miệng của chị tôi là "Thời buổi này không học kỹ năng có mà vứt", thế nên bên cạnh việc học thêm, chị đầu tư cho con đi học kỹ năng sống. Nhưng thật lạ, cháu vẫn mù tịt kỹ năng dù được đi học khá nhiều.

Tôi thì khác, tôi không đầu tư cho con đi học kỹ năng mà cho con được áp dụng ngay từ ở nhà. Các con tôi dù thành tích học tập không cao nhưng các cháu khá tự lập, biết tự chăm sóc bản thân, biết tự quyết định việc mình học khối gì.

Tôi từng nhận những thắc mắc, sao thời nay mà để con tự học, để con làm việc nhà, đi chơi vào cuối tuần, nghỉ lễ được về quê chơi... Tôi cũng từng bị mọi người cho rằng chậm tiến, không thức thời khi để con học trường ở phường thay vì những trường điểm, trường chuyên.

Nhưng tôi thấy mình đã đúng. Hai con của tôi dù rất khiêm tốn trong thành tích nhưng lại "giàu" về những trải nghiệm, những điều tưởng nhỏ nhặt, giản dị nhưng lại giúp con cảm thấy hạnh phúc suốt thời tuổi trẻ.

Các con là con trai nhưng lại khá đảm đang, có thể giúp đỡ mẹ nấu ăn, giúp mẹ dọn nhà và có thể tự tay sửa vòi nước hỏng, sửa chiếc quạt bị hỏng, điều mà không nhiều cậu con trai cấp 3 thời nay làm được.

Tôi thấy vui khi con trai lớn khoe ở lớp được bạn bè phong là "Hải kỹ sư của lớp A1" bởi lẽ cháu khéo tay, mỗi khi trường hay lớp tổ chức các hoạt động, cháu năng nổ tham gia và những việc vặt như đóng đinh chẳng hạn, cháu đều làm thuần thục.

Để trẻ "phá kén" vươn ra thế giới…

Trong những năm gần đây, đi đâu cũng nghe người ta nói đến "kỹ năng sống". Nhưng tôi cảm thấy có gì đó sai sai trong việc trang bị kỹ năng cho con của không ít cha mẹ hiện nay. Đó là muốn con có kỹ năng nhưng việc nhà không cho con đụng tay đụng chân. Đến bộ quần áo không phải gấp, phòng riêng không phải dọn...

Nhiều người xem nhẹ kỹ năng của trẻ có được từ cuộc sống hằng ngày mà luôn nghĩ kỹ năng là một cái gì đó cao siêu, xa vời và đề cao việc phải đi học thì mới có được. Thực tế cha mẹ chính là những người thầy tốt nhất của con nhưng họ lại xem nhẹ, lạ thế!

Chúng ta mong con "phá kén" để vươn ra thế giới, mong con có thể học tiếng Anh, học kỹ năng để hội nhập nhưng rõ ràng, các con chưa thực sự được khám phá bản thân và hành trang để giúp các con trưởng thành lại chủ yếu chỉ là những tấm giấy khen.

Những rào cản trong tư duy của bản thân cũng như những khuôn mẫu của cuộc sống vẫn khiến các em cảm thấy ngột ngạt, mất tự chủ và ngô nghê đến tội nghiệp.

Tôi nghĩ dù có là bác sĩ hay kỹ sư thì trước tiên các con phải biết mình là ai, phải tự làm được những việc cơ bản trong nhà, không lạc lõng, không mù mờ. Đó là chưa kể chúng ta tham vọng con sẽ trở thành nhân lực quốc tế nhưng lại rất hạn chế để con được vươn ra, được lớn lên thực sự từ cuộc sống.

Cứ nhìn lại mà xem, bức tranh quen thuộc của những đứa trẻ hiện nay là ngồi bên bàn học và bàn học đã trở thành rào cản khiến đứa trẻ vẫn khát giữa mênh mông nước và chiếc điện thoại thông minh là bức tường ngăn cách trẻ giao tiếp với mọi người.

Chúng ta vẫn nói và hướng đến những thứ cao siêu như hội nhập quốc tế, công dân toàn cầu nhưng kỹ năng đến từ đâu nếu như không phải từ cuộc sống hằng ngày? Có khi nào phụ huynh trả lời được câu hỏi: học đủ thứ là thế nhưng tại sao nhiều đứa trẻ vẫn gian nan vượt bão?

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học nhiều lớp kỹ năng, học sinh lớp 12 hỏi đụng vào lửa có bị... giật như điện