Dân tộc ta là một dân tộc hiếu học. Tinh thần hiếu học thể hiện xuyên suốt trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Bác Hồ nhận thức về lợi ích của sự học lớn hơn nhiều. Người có những đề cập thiết thực, cụ thể về sự học, bao trùm lên tất cả là tinh thần: học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đó là ý nghĩa đích thực của sự học theo quan điểm khoa học và cách mạng, tiến bộ và nhân văn. Trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, đi tới các địa phương, hễ có dịp là Bác lại nói với nhân dân về lợi ích của sự học, về ý nghĩa của sự học cao cả ấy.
Trong lần đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Bác đã ghi ở trang đầu quyển sổ vàng truyền thống của trường rằng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Người đã nói về mục đích của sự học rất rõ ràng, cụ thể. Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc (năm 1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”.
Có thể thấy, xuyên suốt tư tưởng của Bác không có sự học nào hơn sự học để làm người, làm việc, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Thấm nhuần lý tưởng đó, hàng vạn thanh niên trí thức dưới chế độ mới, kể cả những trí thức được đào tạo và đang làm việc, sinh sống ở Pháp trở về đã ra sức phấn đấu học hỏi, nắm bắt khoa học, kỹ thuật phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về tự học. Bác ra đi tìm đường cứu nước khi đất nước còn đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ, Người không có điều kiện để được học hành nhiều trong các trường lớp chính thống. Người sớm dấn thân vào lao động và tranh đấu, nhưng bản thân đã có ý thức học tập từ rất sớm.
Trong hoàn cảnh lao động kham khổ, thiếu thốn, có những lúc bị tù đày, Người luôn có ý thức tự học tập, từ ngoại ngữ đến các tri thức văn hóa, khoa học… Đi đến đâu, Người cũng ra sức học và sử dụng được ngoại ngữ và thông hiểu văn hóa của nước đó để hòa nhập và hoạt động. Chính nhờ học qua sách báo, qua bè bạn và thực tiễn, Bác đã tiếp cận với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc.
Tinh hoa sự học của Bác được thẩm thấu và tỏa ra ở cốt cách văn hóa thanh cao, lịch thiệp, trong trí thông minh xuất chúng, ở lối ứng xử tinh tế, hấp dẫn. Bác đã hội tụ được những tinh túy văn hóa Đông, Tây, kim cổ, rồi đem hết kiến thức học được để phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người đã được UNESCO vinh danh: Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Chính tư tưởng về sự học của Người được UNESCO lấy làm nội dung khuyến cáo các quốc gia về mục tiêu học tập hiện nay: học để hiểu biết, để chung sống, để làm việc và làm người.
Hiện nay, nước ta có hàng triệu trí thức và học sinh, sinh viên đang tích cực học tập và nghiên cứu khoa học, đây là nguồn sức mạnh cho đất nước phát triển, vươn xa. Tuy nhiên, trong thực tế không ít người bị ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, đang bộc lộ nhiều vấn đề tiêu cực trong sự học. Không ít người có tư tưởng lệch lạc về sự học nên xảy ra tình trạng chạy bằng, mua điểm, những biểu hiện coi nhẹ đạo đức học đường, thiếu tôn sư, trọng đạo...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự. Trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, học là một phương thức quan trọng để hội nhập, bởi chỉ có giáo dục, đào tạo có chất lượng mới tạo ra những con người có năng lực phục vụ sự hội nhập ấy.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (TP Hải Dương)