Học Bác cách dùng người, không phải chỉ là học tinh thần “dụng nhân như dụng mộc” mà còn học Bác cách bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, giúp cán bộ sửa chữa khuyết điểm.
Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) vừa kết thúc với nhiều quyết sách lớn, trong đó có nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ. Một trong những điểm nhấn được bàn thảo sôi nổi khi xây dựng nghị quyết này là việc đánh giá cán bộ. Đây vốn là khâu yếu trong công tác cán bộ hiện nay và cũng được kỳ vọng sẽ trở thành khâu đột phá của công tác cán bộ trong thời gian tới.
Nói đến công tác cán bộ, chúng ta lại nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Người từng viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Theo tư tưởng của Bác, phải “hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ mới phát hiện được người có tài để sử dụng, đề bạt và mới có cơ sở để bồi dưỡng cán bộ. Trước khi cất nhắc, đề bạt cán bộ phải nhận xét rõ ràng, phải xem xét cả công tác và cách sinh hoạt; cách nói, cách viết và việc làm; cách đối xử với mọi người, biết cả ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ”. Người nói: "Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở". Phải công tâm, có lòng yêu thương cán bộ và nắm vững yêu cầu của tổ chức, "Ðảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta".
Lâu nay, công tác đánh giá cán bộ bị coi là khâu yếu bởi chúng ta nhiều khi chưa thật sự học và làm theo Bác hoặc tuy làm theo nhưng phương pháp lại chưa đúng, chưa đến nơi đến chốn. Chẳng hạn, trong đánh giá cán bộ chỉ dựa vào kết quả công tác hằng năm, chỉ chú ý đến năng lực chuyên môn, chưa chú ý đến cách sinh hoạt; chưa quan tâm đến năng lực quản lý, đến tinh thần trách nhiệm của cán bộ đối với công việc hoặc chỉ chú ý khuyết điểm của cán bộ mà không thấy được ưu điểm, sự cố gắng của họ. Có cán bộ tuy rằng kết quả làm việc chuyên môn có thể tốt, nhưng lối sống lại bê tha, ham cờ bạc, rượu chè vẫn được cất nhắc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Có người cố gắng phấn đấu vì mục đích tư lợi cá nhân, nên khi có chức, có quyền thì sinh ra nhũng nhiễu, cửa quyền. Có người vì mong có chức, có quyền không từ thủ đoạn gian dối, cạnh tranh không lành mạnh với đồng nghiệp, khéo léo che đậy tật xấu, khuyết điểm của mình... Những trường hợp ấy, do chưa có phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ thật chuẩn nên tổ chức khó phát hiện hoặc có nơi phát hiện được nhưng lại chưa thật sự công tâm, khách quan nên vẫn bổ nhiệm. Hậu quả là nhiều cán bộ sau khi được đề bạt, cất nhắc lại vi phạm phải xử lý kỷ luật hoặc không làm được việc.
Chúng ta vẫn nói đến việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nhưng nếu chỉ nói suông, không xác định rõ nội dung học tập, làm theo một cách cụ thể thì việc học và làm theo đó cũng chỉ là hình thức, không mang lại hiệu quả. Học Bác cách dùng người, không phải chỉ là học tinh thần “dụng nhân như dụng mộc” mà còn học Bác cách bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, giúp cán bộ sửa chữa khuyết điểm, học Bác phương pháp đánh giá cán bộ. Đây không phải công việc riêng của ngành tổ chức xây dựng Đảng hay nội vụ mà là của mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị. Tùy đặc thù công việc mà mỗi nơi đưa ra một tiêu chí khác nhau để lựa chọn, đánh giá cán bộ. Song dù theo tiêu chí nào thì để việc đánh giá cán bộ không còn là khâu yếu, trước hết vẫn phải học và làm theo Bác tinh thần khách quan, công tâm và toàn diện khi nhìn nhận, đánh giá cán bộ.
HOÀI ANH