Hỏi: Để tiêu thụ nông sản sạch cho bà con nông dân ở quê, tôi định sử dụng nhà riêng của mình làm địa chỉ giao nhận hàng từ người bán đến người mua buôn hoặc mua lẻ. Là khâu trung gian như vậy, tôi có nhận tiền hàng qua lại, nhận cả tiền công “ship” hàng, người thì bảo tôi phải đăng ký kinh doanh, người khác lại bảo không cần. Tôi phải làm thế nào?
NGUYỄN THU HẰNG (Gia Lộc)
Trả lời: Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (ĐKKD) nêu rõ một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hằng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải ĐKKD theo quy định của pháp luật về ĐKKD và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau: Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong; buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định; buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ; thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định; các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải ĐKKD khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.
Nếu bạn chỉ đảm trách vai trò cung ứng dịch vụ nhỏ lẻ để hưởng tiền công phù hợp, bạn không phải ĐKKD.