Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả chính quyền và người dân nên xã Hoành Sơn (Kinh Môn) không còn vi phạm đê điều.
Người dân tự giải tỏa rau màu, cây trồng trên mái đê, đường hành lang đê
Hiện nay, phần lớn các tuyến đê qua xã Hoành Sơn (Kinh Môn) đều đã sạch sẽ, cỏ dại được phát quang. Tình trạng người dân trồng cây cối, hoa màu trên mái đê đã chấm dứt. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả chính quyền và người dân địa phương.
Nhiều vi phạm
Hoành Sơn có 2 tuyến đê bao quanh là tả sông Kinh Thầy và tả sông Đá Vách với tổng chiều dài hơn 4,4 km. Từ lâu, do có nhiều hộ sinh sống ở ven đê nên không ít trường hợp vi phạm hành lang đê. Đặc biệt là trồng cây cối, rau màu trên mái đê ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều khá phổ biến. Xác định xử lý những vi phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xã đã tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành quy định về đê điều.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, xã Hoành Sơn đã thành lập đoàn công tác để giải tỏa toàn bộ cây cối, hoa màu và rác thải ở mái đê, hành lang đê. UBND xã yêu cầu các thôn thống kê, rà soát được 63 trường hợp vi phạm hành lang đê. Sau khi rà soát, xã gửi thông báo cho từng gia đình, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, yêu cầu người dân tự giác giải tỏa các công trình vi phạm, trả lại nguyên trạng cho các tuyến đê. Đến hết tháng 8, đã có 37 hộ tự giải tỏa vi phạm, 12 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền 36 triệu đồng. Trước đó, một số công trình vi phạm như xây tường bao, làm hàng rào, dốc đê trên bãi sông đê tả Kinh Thầy cũng đã được xử lý.
Ông Nguyễn Văn Đãnh ở thôn 1, xã Hoành Sơn là một trong những hộ tự giải tỏa cây trồng vi phạm trên hành lang đê tả sông Đá Vách. Trước đó, tận dụng diện tích đất ở hành lang đê, ông đã trồng 22 cây dừa và nhiều cây trồng khác. Sau khi được UBND xã tuyên truyền, vận động, ông đã tự chặt toàn bộ dừa và các cây trồng vi phạm hành lang đê. "Do không hiểu biết pháp luật về đê điều nên tôi và nhiều gia đình sinh sống ở khu vực này đã tự ý lấn chiếm hành lang đê, dựng hàng rào, mở lối đi... Sau khi được xã tuyên truyền, chúng tôi đã tự giải tỏa, trả lại nguyên trạng cho tuyến đê", ông Đãnh nói.
Chính quyền kiên quyết
Ông Trần Đức Bền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoành Sơn cho biết: "Xã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm công trình đê điều. Việc xử lý bảo đảm khách quan, chính xác và công khai nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ công trình đê điều, không để phát sinh những trường hợp vi phạm. Sau khi giải tỏa, xã sẽ giao trách nhiệm quản lý cho trưởng các thôn".
Trước đây, Hoành Sơn từng là điểm nóng vi phạm pháp luật về đê điều. Nguyên nhân chủ yếu do chính quyền xã quản lý chưa chặt chẽ. Nhận thức rõ các trường hợp vi phạm có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn công trình đê điều nên xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động các hộ tự ý giải tỏa các vi phạm. UBND xã đã nhiều lần phối hợp với Hạt Quản lý đê thị xã Kinh Môn triển khai các biện pháp mạnh xử lý những vụ việc vi phạm. Với những trường hợp chây ỳ không tự giải tỏa, xã thành lập tổ công tác để cưỡng chế.
Theo ông Trương Đức Tốn, Hạt trưởng Quản lý đê thị xã Kinh Môn, hầu hết các tuyến đê trong huyện đều phát sinh nhiều trường hợp vi phạm đê điều. Ngoài các vi phạm về bến bãi thì tình trạng trồng cây, lấn chiếm mái đê, đường hành lang đê rất phổ biến. Việc trồng cây ở mái đê, hành lang đê rất nguy hiểm vì xuất hiện nhiều tổ mối, ổ chuột... rất khó phát hiện, làm mất an toàn đê điều. Hoành Sơn là một trong những địa phương đi đầu trong giải tỏa vi phạm hành lang đê, dọn dẹp, phát quang mái đê. Sau khi được xã tuyên truyền, hầu hết người dân đều ký cam kết không vi phạm hành lang đê. Việc giải tỏa cây cối, rau màu ở các tuyến đê giúp nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều phát sinh, nhất là trong mùa mưa bão.
TRẦN HIỀN