Biết ông bị oan, vua Lê vô cùng thương tiếc, phong tặng bốn chữ: Minh, Đạo, Hiển, Ứng và phong làm Phúc thần.
Đình Phương Bằng - nơi thờ Nguyễn Phục
Nguyễn Phục (còn được gọi là Phục Công, hiệu là Tùng Giang tiên sinh) người xã Đoàn Lâm, huyện Trường Tân (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện), sinh ra trong một gia đình dòng dõi nho gia. Thủa nhỏ, ông sớm có nghị lực, chuyên cần hiếu học, tư chất thông minh hơn người.
Đời vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hòa 11 (năm 1453), ông thi đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Quý Dậu, năm 20 tuổi, được vua phong chức quan Hàn lâm kiêm Vương phó (thầy dạy học cho các vương tử). Vốn thông minh, tài đối đáp, ông được vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) giao cho ba lần đi sứ nhà Minh. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tập II, trang 243, viết: “Tháng 9 ngày 21 năm 1460, sai bồi thần là Đinh Lan, Nguyễn Phục, Nguyễn Đức Tù sang nước Minh tâu việc”. Do có công lao trong việc đi sứ, giữ gìn thể diện quốc gia, ông được vua Lê Thánh Tông khen ngợi ban thưởng bạc lạng, đồng thời được cử làm Thừa tuyên tham nghị Thanh Hóa. Năm 1463, tại kỳ thi Điện, ông được cử làm giám thí. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” trang 253, 254 viết tiếp: “Tháng 2, thi Hội các cử nhân trong nước. Bấy giờ ứng cử đến hơn 4.400 người, lấy đỗ 44 người. Ngày 16, thi Điện các tiến sĩ. Sai Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự là Nguyễn Lỗi, nhập nội đô đốc đồng bình chương sự tri Đông đạo chư vệ quân Quốc Tử Giám tế tửu Lê Niệm làm Đề điệu, Chính sự viện tham nghị chính sự là Nguyễn Phục làm giám thí, Môn hạ sảnh tả ty tả gián nghị đại phu Bắc đạo quân dân bạ tịch kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ là Nguyễn Như Đổ, Hàn lâm viện thừa chỉ chi Đông đạo quân dân là Nguyễn Vĩnh Tích Quốc Tử Giám tế tửu Nguyễn Bá Kỳ làm Độc quyển. Vua thân ra đầu đề văn sách hỏi về trị đạo của các đế vương”.
Khi làm quan cho nhà Lê, ông dốc lòng vì công việc, dù ở cương vị Đô lý tự khanh tra xét các vụ kiện, Vương phó, tham nghị binh chính hay Quan ty cẩm y vệ, cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các quan trong triều kính trọng, nể phục.
Năm 1470, ông theo Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, được cử giữ chức Phi vận tướng quân đốc thúc binh lương. Khi thuyền lương đến cửa Lạch Trào (cửa Hới) (Thanh Hóa) gặp bão, ông bèn truyền chèo thuyền nhập cảng, các tòng quân đều can rằng: “Quân pháp rất nghiêm, chớ nên trái lệnh”. Ông không nghe, đáp rằng: “Thà để một mình tôi chịu tội trái lệnh, còn hơn là để cho quân lính vô tội và số lương có hạn kia chết chôn trong bụng cá. Nói xong bèn sai quân cứ chèo thuyền vào tránh bão”. Do quân sĩ thiếu ăn, vua khép ông vào tội bất tuân quân lệnh, xử tội chém vào ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần (năm 1470). Ông được mai táng tại Nam Đường (nay thuộc thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa).
Về sau, biết ông bị oan, vua Lê vô cùng thương tiếc, phong tặng bốn chữ: Minh, Đạo, Hiển, Ứng và phong làm Phúc thần. Sách “Thần tích Việt Nam” ghi: “Sau khi chiến thắng giặc Chiêm Thành trở về ngang cửa Thần Phù, gặp sóng to, gió lớn, biển động dữ dội khiến cho đoàn thuyền của nhà vua không thể qua được. Đêm đó nhà vua thao thức, tai nghe gió gào, sóng dậy, trằn trọc không sao ngủ được. Vua sực nhớ đoàn thuyền lương trễ hạn cũng là do sóng lớn gây ra. Trong lòng hối hận thương quan đốc lương bị thác oan...trong lúc mơ màng, vua thấy ông nhung trang chỉnh tề đứng trước giường ngự tâu rằng: "Kẻ hạ thần cảm ơn tri ngộ của bệ hạ nên dẫu thác linh hồn vẫn theo ra chiến trận, nay nhờ hồng phúc quốc gia, bệ hạ dẹp xong Chiêm hầu, hạ thần lại xin hộ giá khải hoàn". Vua Lê chợt tỉnh, vừng đông đã hửng sáng, trông ra biển lặng sóng êm. Đại quân vượt biển trở về yên ổn. Vua Lê Thánh Tông truy phong quan đốc lương Nguyễn Phục tước "Đại vương biển Đông Hải", lại hạ chiếu truyền cho thiên hạ, địa phương nơi nào ngày trước có nhà cửa của Phụ Công tại các làng xóm, thì cho dân rước sắc về lập đình thờ”.
Vâng lệnh vua, đồng thời để tưởng nhớ công lao đức trạch của ông, nhân dân các vùng ven biển từ Quảng Bình đến Đình Định và một số nơi khác đã xin rước sắc, lập đình thờ tôn ông làm Thành hoàng, đời đời phụng sự. Hiện nay, có 72 nơi tôn thờ ông trong đó có các làng như Phú Xá (Quảng Đại), Xuân Phương (Quảng Châu) (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa); làng Đặng Xá (Văn Xá, huyện Kim Bảng, Hà Nam); làng Thọ Am (Liên Ninh, huyện Thanh Trì - Hà Nội)…
Tương truyền, Nguyễn Phục còn là thủy tổ của nghề chăn tằm. Nhiều làng quê ven các con sông lớn: sông Đáy, sông Nhuệ của tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) có nghề tằm tơ, canh cửi phát triển, cũng tôn vinh ông làm Thành hoàng của làng.
Tại quê hương ông, thôn Đông (xã Thanh Tùng, Thanh Miện) cũng dựng đình tôn thờ ông làm Thành hoàng cùng với Bảng nhãn Đỗ Uông. Ngôi đình cổ kính được khởi dựng vào thời hậu Lê, tọa lạc trên một khu đất rộng 2.135m2, trước đây chia làm hai phần: Khu vực thiêu hương, giếng nước và khu đình chính. Do thiên tai tàn phá, một số công trình bị hư hại nên phần nào đã làm thay đổi kiểu dáng ngôi đình. Hiện tại, từ ngoài vào là ba gian tả vu, tiếp đến là 5 gian đình ngoài, 5 gian đình trong và 2 gian hậu cung. Về nghệ thuật kiến trúc đáng chú ý phải kể đến 5 gian đình trong với bốn góc mái đao cong bề thế, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường, các bức cốn chạm đề tài trúc lá hóa, các đầu dư chạm rồng ngậm viên ngọc mang đậm dấn ấn nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Lê.
Làng Phương Bằng (xã Hồng Hưng, Gia Lộc) cũng dựng đình tôn thờ ông làm Thành hoàng. Phương Bằng tuy không phải là quê hương, nhưng lại là mảnh đất gắn bó mật thiết với ông - “nơi ông đã dựng nhà để ở và dạy học”. Tương truyền, đình Phương Bằng được khởi dựng từ khá sớm, khởi tạo có quy mô nhỏ. Đến thời Nguyễn, di tích được trùng tu, tôn tạo khang trang, nằm trên một doi đất cao, bằng phẳng, phong quang, phía trước là ao, phía sau là giếng đình tạo cảnh quan đồng thời cũng là nơi tụ thủy, tụ phúc, có tác dụng luân chuyển các dòng khí và tạo sự phát triển theo thuật phong thủy. Vào năm 1949, Phương Bằng là một trong những thôn của xã Hồng Hưng nói riêng và của huyện Gia Lộc nói chung có phong trào cách mạng rất phát triển, nhiều đội du kích được hình thành. Để triệt phá các cơ sở cách mạng và khủng bố tinh thần của nhân dân trong thôn, thực dân Pháp đã ép dân làng dỡ đình để lấy nguyên vật liệu xây dựng xây đồn bốt. Các đồ thờ tự cũng bị hủy hoại và thất lạc trong thời gian này. Năm 2012, với sự góp công, góp của nhân dân trong thôn, con em xa quê và sự ủng hộ của chính quyền, đình Phương Bằng được xây dựng gần khu vực ao đình cũ và lùi lại về phía sau, quay mặt theo hướng Đông Nam, kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Hệ thống cột, vì kèo được làm bằng bê tông, cốt thép. Tại hậu cung có ngai và bài vị thờ Nguyễn Phục.
Nguyễn Phục - một nhà khoa bảng, một công thần tiết nghĩa thời Lê (thế kỷ XV). Thân thế và sự nghiệp của ông được ghi chép trong chính sử và lưu truyền trong nhân dân từ xưa tới nay. Nghiên cứu, tìm hiểu về ông, chúng ta hiểu hơn về chế độ thi cử, về tình hình kinh tế, xã hội, về chính sách ngoại giao, nghệ thuật quân sự trong phòng bị và tiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm và việc thực thi pháp luật dưới triều vua Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông. Không chỉ vậy, ông còn là người đức độ, dám chịu tội trước hành động của mình. Là người thương dân, thương quân, nhận những thiệt thòi về mình; làm bề tôi trung quân với vua, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lợi ích đất nước trước họa xâm lăng. Những di tích thờ ông tại Hải Dương là nơi giáo dục truyền thống tốt nhất cho thế hệ hôm nay và mai sau.
ĐẶNG THU THƠM (Bảo tàng tỉnh Hải Dương)