Không chỉ rê dắt qua người đột biến, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức còn thu hồi bóng nhiều nhất cho Việt Nam qua 3 trận vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á.
Nguyễn Hoàng Đức từng nổi lên ở U20 World Cup 2017, toả sáng ở SEA Games 2019, nhưng anh chỉ chiếm suất chính thức trên đội tuyển gần đây khi Đỗ Hùng Dũng chấn thương. Tiền vệ Viettel mới đá chính 5 trận, và cũng là 5 trận gần nhất của Việt Nam. Chỉ một lần anh bị thay ra, dù HLV Park Hang-seo luôn thay 5 người mỗi trận. Bài toán thay thế Hùng Dũng đã được giải bằng đáp án Hoàng Đức.
Hoàng Đức nổi bật ở khả năng kéo bóng thoát khỏi áp lực, và điều này cần thiết cho đội tuyển khi gặp đối thủ mạnh hơn. Các đối thủ mạnh thường gây áp lực nhanh mỗi khi cầu thủ Việt Nam chạm bóng, nhưng không phải ai cũng giữ bóng tốt như Hoàng Đức. Với chân trái khéo léo, sải chân dài với chiều cao 1m83, Hoàng Đức biết cách che chắn rồi dùng tốc độ đẩy bóng vượt qua đối phương. Những tình huống rê dắt của anh không chỉ mở ra cơ hội, còn giúp đồng đội tự tin hơn mỗi khi có bóng.
Hoàng Đức rê bóng qua người nhiều nhất bên phía Việt Nam ở 3 trong 5 trận gần nhất, trước Malaysia, Saudi Arabia và Trung Quốc, theo Opta. Trung bình mỗi trận này anh 4 lần qua người. "Qua người" theo định nghĩa của Opta là khi đối thủ vào bóng, nhưng cầu thủ vẫn vượt qua được. Vẫn còn nhiều pha bóng Hoàng Đức thoát khỏi áp lực khi đối thủ chưa kịp ập vào, nhưng không tính vào thống kê "qua người".
Tầm ảnh hưởng của Hoàng Đức lên đội tuyển ngày càng lớn, mà thể hiện đậm nét ở trận gần nhất với Trung Quốc. Chính Hoàng Đức treo bóng vào cấm địa kiến tạo cho Hồ Tấn Tài rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2. Đây là lần đầu anh góp công vào bàn thắng trên tuyển, điều mà Phan Văn Đức hay Nguyễn Văn Toàn không làm được trong 12 trận qua.
Không chỉ đóng góp cho hàng công, Hoàng Đức còn nhiều lần giải nguy từ xa cho tuyến thủ. Phút 25, anh ngã xuống sau khi tranh chấp, còn bóng rơi về phía Liu Binbin. Tiền vệ Trung Quốc dốc lên, nhưng Hoàng Đức bật dậy ngay và giật về chuồi hợp lệ để đoạt lại bóng. Một tình huống khác ở phút 38, khi Hoàng Đức ập vào đè trung phong Elkeson và cướp bóng thành công. Hai pha bóng này mang dáng dấp của một tiền vệ đánh chặn, dù Hoàng Đức sở trường tấn công.
Không cầu thủ Việt Nam nào thu hồi bóng nhiều hơn Hoàng Đức ở trận gặp Trung Quốc và Australia. Còn ở trận thua Saudi Arabia, chỉ Trọng Hoàng thu hồi bóng tốt hơn Hoàng Đức. "Thu hồi bóng" là khi nhận bóng từ đối thủ, hoặc lấy bóng khi không bên nào kiểm soát rõ ràng. Thống kê này cho thấy khả năng hoạt động tích cực của cầu thủ, và Hoàng Đức nổi bật hơn cả.
Sẽ không bất ngờ nếu Hoàng Đức tiếp tục đá chính ở chuyến làm khách tại Oman tối nay 12.10. Thậm chí khi hồi phục chấn thương, Hùng Dũng cũng chưa chắc đẩy được đàn em trở lại ghế dự bị. Hoàng Đức càng chơi càng tiến bộ cả về công lẫn thủ, và anh chưa có dấu hiệu chạm ngưỡng.
Nhưng Hoàng Đức vẫn còn phải cải thiện khả năng chọn vị trí phòng ngự. Anh chơi tiền vệ trung tâm cùng Tuấn Anh, và nếu tuyến này bị vượt qua, hàng thủ sẽ rơi vào trạng thái báo động. Tình huống Zhang Yuning sút vào lưới Việt Nam trong thế việt vị ở phút 36, bắt nguồn từ pha cắt đường chuyền không thành của tiền vệ Viettel.
Hoàng Đức cũng có thể làm tốt hơn ở khâu xử lý cuối mỗi pha rê dắt. Chẳng hạn ở phút 50 trận gặp Trung Quốc, tiền vệ 23 tuổi quê Hải Dương kéo bóng từ sân nhà lên gần cấm địa đối phương. Anh không chuyền sớm sang cánh trái thoáng, mà mải nhìn xuống bóng và bị chặn lại.
Hoàng Đức vẫn còn là viên ngọc thô và sẽ tiến bộ hơn nữa khi Việt Nam tiếp tục đương đầu những đối thủ đẳng cấp châu lục. Sự trỗi dậy của Hoàng Đức cho thấy chuỗi 4 trận thua của Việt Nam không phải vô nghĩa.
Theo VnExpress