Tất cả bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Hải Dương đã ra viện và không có trường hợp tử vong là thành công lớn của tỉnh trong đợt bùng phát dịch thứ ba này.
Bệnh nhân Covid-19 cuối cùng trong đợt dịch này điều trị tại Hải Dương (bên phải) đã được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho xuất viện ngày 16.4
Đến nay, Hải Dương đã hoàn toàn kiểm soát dịch Covid-19, tất cả bệnh nhân (BN) điều trị tại tỉnh đã được xuất viện, không có người nào tử vong.
Bệnh viện Bạch Mai thu nhỏ
Cùng với cả nước, Hải Dương đã trải qua 3 đợt dịch Covid-19. Đợt dịch nào tỉnh ta cũng có ca mắc. Trong đợt dịch thứ ba bùng phát từ cuối tháng 1 đến nay, Hải Dương là tâm điểm - nơi ghi nhận ca mắc đầu tiên và cũng là địa phương có số ca bệnh nhiều nhất (đến thời điểm này là 726 ca). Song với sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, Hải Dương đã làm chủ công tác điều trị, đến ngày 16.4, tất cả BN điều trị tại Hải Dương đều đã ra viện. Hiện chỉ còn 3 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, không có trường hợp tử vong.
Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, Hải Dương đã nhanh chóng thành lập bệnh viện dã chiến (BVDC). Ca bệnh đầu tiên phát hiện ngày 27.1 tại TP Chí Linh. Trong các ngày 28 và 29.1, Hải Dương thành lập liền 2 BVDC. BVDC số 1 do đoàn công tác Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hỗ trợ đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh. BVDC số 2 do Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ đặt tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Đến ngày 7.2, Hải Dương tiếp nhận thêm BVDC số 3 do Công ty TNHH Thành phố mặt trời (thuộc Sun Group) và Công ty CP Huy Hoàng Eco tài trợ lắp đặt chính, đặt tại Trường Đại học Sao Đỏ. BVDC số 3 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chính. Ngành y tế đã huy động hàng trăm nhân viên y tế trong toàn tỉnh hỗ trợ cho các BVDC hoạt động. Công suất tối đa của 3 BVDC này có thể tiếp nhận đồng thời hơn 1.000 BN.
Trong số này, BVDC số 2 được trang bị như một Bệnh viện Bạch Mai thu nhỏ, sẵn sàng thu dung, điều trị BN nặng. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), trưởng kíp điều trị tại BVDC số 2, Bạch Mai có gì thì gần như BVDC số 2 có cái nấy từ các thiết bị hiện đại đến nguồn nhân lực chất lượng, chuyên môn giỏi. Chỉ khác là quy mô ở đây nhỏ hơn. Khi BVDC số 2 đi vào hoạt động, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã đặt mục tiêu không để cho BN nào tử vong tại bệnh viện này. Kết quả đúng như mong đợi, dù có thời điểm một số BN tiên lượng xấu nhưng các bác sĩ đã kịp thời cứu chữa.
Những kinh nghiệm quý giá
Thời gian qua, ngành y tế luôn chủ động trong công tác điều trị BN Covid-19. Đối với những BN Covid-19 thông thường, không có bệnh lý nền, cơ chế điều trị không mấy khó khăn, chủ yếu là tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng. Thực tế trong đợt dịch đầu, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện đã điều trị khỏi cho một BN là người nhập cảnh (11 tuổi) về địa phương. Trong đợt dịch thứ ba, Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang cũng đã điều trị khỏi cho 2 BN.
Còn đối với những người mắc bệnh lý nền, theo cơ chế bệnh chồng bệnh, Covid-19 có thể làm cho người bệnh chuyển biến xấu hơn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, với những biến thể khác nhau, việc điều trị cho BN Covid-19 cũng gặp khó khăn. Đợt dịch Covid-19 thứ ba này ở Hải Dương do chủng biến thể của Anh gây ra. Dịch bệnh bùng phát ở Hải Dương đầu tiên nên đội ngũ y, bác sĩ từ Trung ương đến địa phương bước đầu đều có những bỡ ngỡ trong công tác điều trị. Bác sĩ Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh cho biết mấy ngày đầu do chưa tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nên tại BVDC số 1 có hàng chục BN chuyển nặng, nhiều người bị tổn thương phổi, có hiện tượng máu đông cục. Hơn 20 BN nặng đã phải chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cứu chữa. Sau đó, các bác sĩ mới tìm ra phác đồ điều trị là sử dụng thuốc chống đông máu và uống nước bù điện giải. Từ đó, tại BVDC số 1 hầu như không còn BN chuyển nặng, không có ai phải chuyển lên tuyến Trung ương. "Bây giờ với trường hợp mắc Covid-19 chủng biến thể của Anh như thời gian qua thì Trung tâm Y tế tuyến huyện chúng tôi có thể chủ động xử lý được", ông Lân tự tin nói.
Thành công trong điều trị cho BN Covid-19 tại Hải Dương còn thể hiện ở việc không có y, bác sĩ nào bị lây nhiễm chéo, mặc dù Hải Dương có đến 3 BVDC từng hoạt động và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cùng tham gia công tác điều trị cho BN Covid-19. Theo bà Nguyễn Thị Trung Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế, trải qua 3 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ ba này công tác điều trị cho BN Covid-19 ở Hải Dương được nâng lên rõ rệt. Sự chia sẻ về chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế Trung ương đã giúp công tác hồi sức cấp cứu của Hải Dương được nâng cao. Kinh nghiệm điều trị cho BN Covid-19 cũng là kinh nghiệm để điều trị các bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
THANH NGA