Trong phiên họp lần thứ 22 ngày 19.3.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã áp dụng thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”.
Tức là đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận; thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên. Đây là sự đổi mới quan trọng trong quá trình điều hành các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì phiên họp này được tường thuật trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam, được đông đảo cử tri cả nước theo dõi.
Sự đổi mới trên đã đem lại những hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ trong thời đại ngày nay cho phép con người tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, đài, tivi, internet, mạng xã hội… Việc rút ngắn thời gian của cả người hỏi và người trả lời trong khi chất vấn đòi hỏi mỗi người phải có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung. Đối với người chất vấn, sau khi đã chọn được vấn đề cần chất vấn thì phải chuẩn bị các câu hỏi ngắn gọn, súc tích và rõ ràng, làm cho mọi người tham dự phiên họp, nhất là người được chất vấn hiểu ngay nội dung câu hỏi. Đối với người trả lời, đây thực sự là một thách thức rất lớn. Bởi lẽ lĩnh vực họ quản lý bao hàm nhiều vấn đề khác nhau. Để thỏa mãn được nguyện vọng của đông đảo cử tri nói chung, người chất vấn nói riêng, người trả lời phải am hiểu sâu sắc, cụ thể những vấn đề xảy ra trong lĩnh vực quản lý, quản trị của mình. Mặt khác, họ phải có khả năng khái quát cao, biết chọn lấy những vấn đề trọng tâm. Đồng thời phải có khả năng thuyết trình, diễn đạt nội dung một cách khúc triết, mạch lạc, có sức thuyết phục, thu hút sự chú ý của người nghe.
Việc rút ngắn thời gian nêu câu hỏi, trả lời chất vấn và tranh luận công khai trên một phạm vi rộng, được đông đảo cử tri cả nước theo dõi là một phương thức khách quan để mọi người có điều kiện đánh giá, thẩm định trình độ học vấn, năng lực thực tiễn của đại biểu Quốc hội cũng như những người lãnh đạo, quản lý ở cấp vĩ mô. Việc thử nghiệm phương thức hỏi và trả lời chất vấn ngay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 22 vừa qua và rút ngắn thời gian kỳ họp, giảm bớt phần thảo luận ở tổ, tăng thời gian thảo luận, chất vấn ở hội trường trong Kỳ họp lần thứ 5 của Quốc hội (khóa XIV) sắp tới sẽ góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân đối với việc điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo tinh thần Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Những kết quả bước đầu của sự đổi mới hoạt động chất vấn đã và đang nhận được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp cử tri, nhất là đội ngũ trí thức.
Sự đổi mới phương pháp chất vấn tuy mới diễn ra trong phạm vi hẹp, nhưng điều đó có giá trị định hướng rất lớn. Bởi thông qua việc làm này, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung, HĐND nói riêng phải thận trọng hơn về những lời phát biểu của mình và các văn bản phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cử tri cả nước đang trông ngóng và đợi chờ sự đổi mới phương pháp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng lan tỏa và biến thành hiện thực trong tất cả các hoạt động có tính chất trao đổi, tranh luận của Quốc hội và HĐND các cấp. Vì sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi mỗi người dù ở vị trí nào trong xã hội cũng cần quan tâm đến chất lượng thông tin hơn là số lượng thông tin, coi trọng cách làm hơn là việc làm cụ thể. Đúng như Các Mác đã nói: “Các thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào”.
TS. PHẠM TRUNG THANH, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh