Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng là người lính, ông có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, tận mắt chứng kiến giây phút lịch sử tại dinh Độc Lập ngày Đại thắng 30-4-1975. Và “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” của ông đã kịp ghi lại niềm cảm xúc sướng vui đến trào nước mắt của chính ông và những người đồng đội đã “Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”, ngồi ăn bát cơm nấu vội “bằng bếp điện”, nhưng vẫn có món rau xanh mà đã là người Việt Nam không ai có thể quên “Rau muống xanh như hái tự vườn nhà”, ngay trong dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giữa ngày trọng đại 30-4-1975.
Bài thơ là tiếng hoan ca tưởng không bao giờ dứt. Vì thắng lợi này dẫu biết trước mà sao đến vẫn quá nhanh, quá bất ngờ, cứ như trong mơ. Ngay cả khi cơm đã nấu, rau đã luộc, tất cả vào mâm rồi mà như vẫn thấy ngỡ ngàng khi nhìn ra mặt đất, bầu trời vẫn “đầy ắp hoa và pháo”, chưa muốn ăn mà còn nhìn nhau như muốn hỏi niềm vui này là thật hay mơ: “Nhìn nhau chưa vội mở vung ra”. Cho đến khi thấy rõ mười mươi màu cỏ xanh trong sân dinh Độc Lập và xung quanh “đồng đội đến vui chung” thì mới tin là “Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng” thật rồi. Có bữa cơm chiều nay, những chiến sĩ ta đã phải: “Băng dốc mấy mươi ngày/ Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận/ Vượt đèo Phước Tượng buổi chiều mây”. Ngay lúc này đây đã “ở đích cuối cùng”, thì các chiến sĩ vẫn trong tư thế “Tăng vẫn dàn theo hình chiến đấu/Xích còn vương đất đỏ Phan Rang”.
Bài thơ tràn ngập cảm xúc hân hoan, vui sướng trong tư thế người chiến thắng. Họ đã quần tụ về đây, trên “sân cỏ xanh mải miết” trong dinh Độc Lập giữa ngày đại thắng với đủ các binh chủng đã làm nên chiến thắng, từ anh lính tăng thiết giáp, bộ binh, nhà báo và cả kẻ bại trận là tổng thống ngụy “Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận/Chia thêm tổng-thống-ngụy-đầu-hàng”. Quả là bữa cơn đặc biệt, ấm cúng và chan chứa tình người. Trong bữa cơm đầy ý nghĩa ấy, ai nấy chỉ thấy niềm vui xốn xang, quên cả ăn, chỉ mải ngắm đất trời tự do: “Kìa gắp đi anh, ai nấy giục/Có gắp chi đâu, mải ngắm trời/Tự do xanh quá, mênh mông quá/Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”. Khổ thơ như cái hồn của cả bài, dung dị, ấm áp, vừa lột tả được tâm trạng hân hoan vui sướng của người chiến sĩ, lại vừa hàm chứa ý nghĩa lớn lao của chiến thắng hôm nay.
Dường như chiến thắng lớn lao này mang lại niềm vui quá đỗi, đến nỗi con người bỗng thấy như mình trẻ lại, cùng những tiếng reo vui tưởng không bao giờ dứt: “Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm/Ta reo trời đất cũng reo cùng/Ta no cười nói, say đôi mắt/Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông”. Khổ thơ kết là sự cô đúc tiếng hoan ca bất tận trong ngày vui lịch sử Đại thắng 30-4-1975, mà sau 37 năm, hôm nay đọc lại vẫn còn dào dạt niềm vui sướng, tự hào.
CAO NĂM
| |