"Tía ơi" là một bộ phim nằm ở khía cạnh chênh vênh giữa hay và dở, giữa cảm động và khó chịu vì lỗi dựng hình.
Mở màn của phim là những tiếng ồn nhức tai mô tả một cảnh rượt đuổi khá thô thiển giữa một nhóm cho vay nặng lãi và một ông già. Nhân vật của Minh Nhí không đặc sắc, ít cá tính và biểu cảm thì chẳng khác gì những vai diễn khác của anh. "Tía ơi" gây cho khán giả cảm giác hài nhảm và kém chất lượng ngay từ những phút đầu tiên. Cho đến khi Hoài Linh xuất hiện.
Hoài Linh trong vai ông Hai xích lô |
Đến lúc đấy, bất chợt không gian phim có một điều gì đó đổi khác. Hoài Linh không cười, không nhăn nhó. Vẻ mặt anh nghiêm túc và khắc khổ như một người chuyên chở gánh nặng cuộc đời. Thực sự là một bất ngờ đáng giá khi khán giả chứng kiến một diễn viên quen thuộc suốt hàng chục năm diễn hài, đột nhiên chuyển sang một vai bi với thần thái hoàn toàn khác.
Một sai lầm của những nhà làm phim "Tía ơi" - là đưa bộ phim tới công chúng như một phim hài, với trailer hay hình ảnh quảng cáo chỉ tập trung vào các yếu tố hài hước; thực ra "Tía ơi" mang màu sắc bi nhiều hơn, và có tính phản ánh thực trạng trong xã hội.
Phim kể lại câu chuyện đầy bi kịch của ông Hai đạp xích lô với 4 người con, trong đó một người rất nghèo, 3 người còn lại giàu "nứt đố đổ vách". Bỗng một ngày, 3 người con giàu có của ông tranh nhau mang ông về nuôi dưỡng. Chưa kịp cảm động vì sự hiếu lễ bất ngờ của các con, ông chợt nhận ra mục đích thực sự của họ là tranh giành gia tài mà người vợ quá cố của ông để lại. Dù nội dung kịch bản không có gì mới, bộ phim cũng mang tính thời sự với những cảnh cân đong đo đếm đổi lương tri lấy bạc tiền, sẵn sàng đưa hóa chất độc hại vào thực phẩm.
Ông Hai rơi nước mắt vì con |
"Tía ơi" có kỹ xảo làm phim hầu như bằng không, ngoại trừ một vài góc khá đẹp, còn lại quay các cảnh quay rất thường, dựng phim xộc xệch, đôi chỗ còn bị lỗi âm thanh, nhưng kịch bản lại giàu tính nhân văn và các diễn viên khá nhập vai trong vai diễn của mình.
Ba diễn viên có diễn xuất nổi bật trong câu chuyện là Hoài Linh, Lương Thế Thành và Trịnh Kim Chi. Á hậu Việt Nam năm 1994 đã vào rất ngọt một vai phản diện, bộc lộ cái ác một cách tự nhiên. Lương Thế Thành tròn trịa trong vai Ba Hưng - cậu con trai làm nghề giáo, bản tính chất phác, không kiếm được nhiều tiền để phụng dưỡng ba chu đáo. Cảnh cao trào cuối phim, Thế Thành diễn lấy được nước mắt khán giả, không hổ danh là diễn viên từng giành giải thưởng HTV Awards 2009 (hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc) từ "Mùi ngò gai".
Lương Thế Thành có một vai diễn tròn trịa |
Nhiều đất diễn nhất, với diễn xuất đa dạng là Hoài Linh trong vai người cha. Gương mặt khắc khổ, lúc ngơ ngác, lúc ngậm ngùi, lúc buồn đau, Hoài Linh hoàn toàn hóa thân làm một người cha cô độc, vật lộn với cái nghèo, cố gắng tìm chút yên vui bên con cháu và bạn hữu. Những biểu cảm của Hoài Linh đã làm nên những nốt lặng cho một bộ phim bên cạnh tiếng ồn cãi vã và những âm thanh lớn nhức tai - đặc trưng cho kiểu phim kịch.
Những thông điệp của bộ phim sẽ đọng lại được trong lòng công chúng nhưng liệu những xúc cảm ấy có giúp người ta thêm sức chống chọi trước sự cám dỗ của đồng tiền?
Hồ Hương Giang (Vietnamnet)