Trong căn phòng màu trắng có một cây vỹ cầm rất đẹp được đặt cẩn thận trên tấm lụa màu hồng. Người ta trải quanh phòng cánh hoa sen trắng vào mùa hạ và mở cửa sổ bốn mùa. Người con gái cũng luôn mặc váy trắng nhìn ra ngoài ô cửa, nơi những dãy nhà tăm tắp chạy thẳng ngút ngát tầm mắt, không biết đâu là điểm dừng. Chút không gian cuối cùng còn đủ rộng để an ủi cô gái là ban công và mảnh vườn nhỏ trồng đầy hoa vỹ cầm. Tất cả toát lên vẻ thánh thiện, đến mức người ta không dám chạm vào dù là rất nhẹ, chỉ sợ sẽ vỡ òa khoảng không gian bình yên ấy.
Hằng ngày, Thụy Anh vẫn thức dậy rất sớm, ngồi bên cửa sổ nhìn hút mắt trong dãy nhà thành phố chỉ mong tìm gặp một làng quê yên ả, với lũy tre, tiếng gà gáy báo sáng, bọn trẻ con chơi nu na nu nống và vô vàn những âm điệu như vẫn thức giấc trong ký ức của cô. Ở đấy ủ ấm một hình bóng thân thuộc của cha cô, người đàn ông cả một đời vẫn sống âm thầm với những vết thương nhằng nhịt, sống để che chở cho cái mầm non dễ vỡ là cô. Nước mắt cô vẫn tắm đẫm cho cả một hồi ức vừa đẹp vừa buồn của cuộc đời mình. Trên ban thờ thấp thoáng đôi mắt trầm buồn của người cha quen lầm lũi.
*
Ngôi nhà nhỏ nằm sau lũy tre, là vành đai chạy dọc con đê sông Hồng, nó giống như một dải lụa xanh vỗ về dòng sông phù sa màu mỡ. Hằng ngày, cô bé Thụy Anh vẫn ra đấy thẩn thơ chơi một mình. Những buổi chiều hoàng hôn trôi dần rồi ngụp lặn dưới dòng sông, cô bé hay thả hồn mình theo tiếng dương cầm vừa như rất gần, vừa mơ hồ, xa xăm đến lạ. Có những hôm vì mải mê chạy theo bản nhạc du dương ấy mà Thụy Anh đã không biết mình đã chạy đến dưới chân đê, chạm đôi chân hồng của mình xuống làn nước sông mát lạnh. Gió và cát vỗ về nỗi mong nhớ vu vơ của cô bé, nó ấm áp như sự vỗ về của mẹ, thứ tình cảm cô không còn nhớ rõ nữa. Vì đã lâu lắm rồi, kể từ cái ngày đẹp trời năm nào, mẹ đã không trở về với cha con cô nữa.
Những buổi chiều mưa, tiếng vỹ cầm buồn va vào giọt nước mưa mà rạn vỡ, cô bé cứ chân trần chạy dọc triền sông mà đỡ những hạt mưa, chỉ sợ những hạt nước long lanh ấy rơi xuống đất rồi vỡ òa như muôn vàn giọt nước mắt. Những trận bão bất chợt làm tiếng vỹ cầm như quay cuồng, cô bé hoảng loạn cứ chạy miết, chạy miết… Cho đến khi cha cô tìm thấy thì cơn mưa đã ngớt, bầu trời đã trong, thảm cỏ đã xanh, tiếng vĩ cầm rã rời, buồn bã như thể người chơi kéo những bản nhạc ấy đã mệt mỏi quá rồi. Cha bảo:
- Ta về thôi con gái!
Cô bé úp mặt vào ngực cha, rớt xuống những giọt buồn, dưới sông lớp phù sa sau mưa đã lắng, rặng tre buồn hiu rủ xuống như một hàng dấu hỏi bỏ ngỏ giữa khoảng trời quê hương phẳng lặng.
Đêm, rúc vào ngực cha nằm nghe những đợt gió từ sông thổi vào vách đất mà buồn xao xác. Thụy Anh nằm im cố tìm trong cái tĩnh lặng của bóng đêm một tiếng vỹ cầm quen thuộc nhưng chỉ nhận về những tiếng nén nhẹ thở dài trong vòm ngực của cha. Cha vỗ về vào lưng cô bé:
- Ngủ đi con gái.
Sau rất nhiều đêm, cô bé chìm vào giấc ngủ bằng sự vỗ về êm ấm của cha, nhưng đêm mưa hôm đó, cô bé đã hỏi cha về mẹ, người đàn bà đã vắng bóng trong ngôi nhà với những vách đất chênh vênh.
- Mẹ đã đi bao lâu rồi cha ơi?
- Ngày mai cha con mình sẽ sang làng bên xin cây mía tím về trồng, giống mía ấy vừa mềm vừa ngọt. Cha sẽ trồng cả một rặng dài ngoài bờ đê trước nhà, con gái tha hồ mà ăn nhé.
- Khi nào thì mẹ sẽ về?
- Con gái rất thích một cây vỹ cầm đúng không? Cha hứa đến một lúc nào đó mà cha có thể, thì cha sẽ mua tặng cho con gái.
- Một cây vỹ cầm? Có chắc không cha?
- Chắc! Nhất định là như thế.
Cô bé lại rúc vào ngực cha, trong giấc mơ của mình, cô gặp mẹ đang chạy dưới cơn mưa chiều. Bóng mẹ chạy lươn lướt qua dòng sông, rồi mất hút phía bên kia triền cát. Gió rất mạnh, gió đổ ập vào lưng mẹ, rối tung tóc mẹ, cay xè cả sống mũi cô bé. “Thụy Anh! Thụy Anh con!”, tiếng gọi da diết ấy chìm lấp dần dưới cát. Cô bé cố gắng chạy về phía mẹ, nhưng mãi không nhấc nổi đôi chân bé nhỏ lên, bất lực, cô ngồi thụp xuống, với tay về phía mẹ. Trên dòng sông đã phẳng lặng trở lại, chỉ thấy vương mấy sợi tóc đen dài, vẫn còn thơm mùi bồ kết. “Mẹ! Mẹ ơi!”
*
“Rồng rắn lên mây
có cây lúc lắc
hỏi thăm thầy thuốc
có nhà hay không?
….”
- A! Chúng mày ơi, con Tây lai nó đến kìa.
- Ném nó đi, đừng cho nó chơi. Mẹ tao bảo, cho nó chơi cùng là cũng bị Tây lai đấy. Đồ con lai, ê ồ đồ con lai.
Cô bé vẫn đứng đó, mắt nhìn chăm chăm vào những thứ đồ chơi của lũ trẻ. Ước một lần được chạm tay, được xếp hàng, nối đuôi chơi chò “thầy thuốc lên mây”, “bịt mắt bắt dê”, hay chỉ đơn giản là ngồi im lặng bên lũ trẻ, nghe chúng nói về ước mơ, về những điều viển vông và về cả những điều mà tất cả mọi người đều đã biết. Nhưng không hiểu sao từ bé chúng đã luôn hắt hủi, né tránh Thụy Anh, nhiều hôm chúng còn nhặt đá ném vào cô bé. Những lúc ấy, tiếng vỹ cầm lại vang lên, dịu dàng, an ủi, dẫn dụ cô bé đi vào một thế giới khác. Tiếng vỹ cầm lướt trên sông, lướt nhanh như dáng mẹ trong giấc mơ hôm nào, lại lẫn vào cát gió. Cô bé đã tự hỏi sao lại không có con đò nào đưa khách sang sông? Cô bé thèm một lần sang bên dải cát trắng bên kia quá đỗi.
Một ngày, sau buổi hoàng hôn rực đỏ sông Hồng, Thụy Anh trở về nhà, ngồi im lặng khá lâu. Cô bé cảm giác như đã mất mát một cái gì đấy quá lớn, như sự chờ đợi bấy lâu là vô vọng, như đã không còn đủ sức lực để chạy theo tiếng dương cầm và hình bóng người mẹ trong giấc mơ bé nhỏ. Thụy Anh tìm ra sau vườn, nơi cha cô bé đang vun nốt những luống rau cải cuối cùng. Cô bé thì nghĩ không cần vun xới chúng làm gì, vì đến tháng ba cải sẽ ra hoa hết, cái màu vàng của loài hoa ấy làm cô bé khó chịu vô cùng, nó làm héo hắt cả khu vườn rộng, có đôi lúc nó lại quá khoe mẽ trước muôn vàn các loài hoa khác. Nên cô bé vẫn thường tránh không ra vườn vào mùa hoa cải nở.
- Con đã đi chơi về rồi à, con gái của bố?
- Con muốn có một cây vỹ cầm như bố đã hứa.
- Như bố đã hứa?
- Vâng. Như bố đã hứa.
Người cha im lặng khá lâu trước cái nhìn tội nghiệp của cô con gái. Bởi ông quá nghèo, ở làng quê này không có việc gì để làm thuê, chỉ với mảnh vườn con con, thân gà trống nuôi con xoay xở một năm, tài lắm cũng chỉ đủ cho hai bố con sống một cuộc đời bình dị. Tiền đâu để mua một cây vỹ cầm. Người cha thấy ăn năn vì đã lỡ hứa với cô con gái một điều không thể.
- Được, để rồi bố thử tính xem.
Cô bé lầm lũi bước vào nhà. Nhà chưa sáng đèn, gió thổi từ ngoài vườn vào chiếc sân đất lồi lõm mấy chiếc lá nhãn, va vào nhau sột soạt. Đàn dơi bắt đầu đi ăn đêm. Cô bé nhớ ngày xưa mỗi lần ngồi trong bóng tối mẹ vẫn bảo “đây là cái thế giới của loài dơi. Trời tối sao mà bức bí, ngột ngạt thế này”, rồi mẹ thở dài, mẹ hát ru khe khẽ những câu rất buồn. Cô bé hỏi:
- Mẹ sắp có em bé à?
Mẹ phá lên cười, tiếng cười nghe chua xót.
Sau vài buổi tối ngồi nghe mẹ thở dài như thế, thì vào ngày mưa gió, mẹ xách túi quần áo ra đi. Cha ôm ghì cô bé vào lòng, những tiếng nấc cũng không thể đủ sức bật ra. Sáng dậy, sau cơn mưa, bầu trời lại trở nên quang đãng, cha đã thức dậy ra vườn cuốc đất từ sáng sớm, như thể đêm qua không có chuyện gì xảy ra. Như thể chỉ một lúc nữa thôi, mẹ lại gọi cha vào ăn sáng, lại cằn nhằn mấy việc linh tinh, lại dặn cô bé đi chơi thì biết đường mà về sớm. Mắt cô bé nhòe đi…
*
Cây vỹ cầm nằm câm lặng bên dải lụa hồng. Thi thoảng, gió từ ô cửa sổ luồn vào, dây vỹ cầm run lên như một tiếng khóc rồi trôi vào im lặng. Từ khi có cây vỹ cầm, Thụy Anh chưa một lần được kéo lên một bản nhạc du dương như bản nhạc năm nào trên bờ đê sông Hồng lộng gió. Cha cô thì đã ra đi mang theo sự cô độc và những vết thương cuộc đời không thể nào cầm máu. Ngày nhỏ, Thụy Anh đã không biết rằng, cha cô vốn là một thầy giáo dạy giỏi của một ngôi trường trong thành phố. Mẹ lấy cha vì nghĩ cha có thể nuôi được gia đình nhỏ của mình bằng đồng lương giáo viên và những buổi dạy thêm dày kịt như bao thầy cô giáo thành phố khác. Nhưng do trong trường có quá nhiều chuyện trái tai gai mắt, cha không thể nào cứ im lặng mãi được, để rồi cha cô bị đẩy ra ngoài cái guồng quay chung của ngôi trường. Cha không sợ có một mình đứng về lẽ phải, nhưng cha không chịu nổi sự cô độc ấy nên đã ra đi. Cha tìm về quê nội, sống cuộc đời bình dị. Nhưng mẹ thì đã không chịu được cuộc đời bình dị trong cái nghèo khổ ấy.
Ngày cô đòi cây đàn vỹ cầm, cũng là lúc dự án đường cao tốc chạy qua làng. Dự án lấy đi mảnh vườn và gần hết đất nhà. Cha không chịu được cảnh xe cộ chạy ầm ầm suốt ngày đêm, lại thấy cô con gái đắm đuối với từng khúc nhạc vỹ cầm nên đã bán nốt mảnh đất dưới quê cho cô lên thành phố. Cha bảo:
- Cha sẽ cho con lên đó thì mới có chỗ học chơi vỹ cầm. Con sẽ được theo đuổi những gì con muốn.
Không bao lâu sau khi tìm được một ngôi nhà có mảnh vườn con con, cha trồng quanh rất nhiều hoa cải vàng. Cha bảo sẽ nhờ người quen ở nước ngoài tìm mua cho cô một cây vỹ cầm thật đẹp. Mùa thu, khi cây vỹ cầm chưa được đưa về nhà thì cha đã ra đi trong một tai nạn giao thông. Và… cũng trong tai nạn ấy, cô đã bị mất một cánh tay. Người ta không thể chơi vỹ cầm chỉ bằng một bàn tay được. Cây vỹ cầm câm lặng trong căn phòng màu trắng, dải lụa hồng hững hờ nằm ngủ quên năm tháng. Tiếng vỹ cầm vẫn du dương trong ký ức, nơi có dòng sông Hồng và dải lụa xanh từ lũy tre cong vút. Những trưa nắng hanh hao, trong ảo ảnh xa mờ, cô thấy như dáng mẹ đang từ triền cát trắng, bước xuống dòng sông lướt nhanh tìm về ngôi nhà đất và mảnh vườn nở vàng hoa cải. Rồi hình ảnh ấy lại vỡ òa trên những ngôi nhà cao tầng, trên sự ngột ngạt của xe cộ, trên cây vỹ cầm đã câm lặng từ lâu.
Mẹ đi ra nước ngoài cùng một người đàn ông, ông Tây về làng thăm dò địa hình định xây dựng một khu du lịch sinh thái bên bờ sông Hồng, triền cát trắng và những dãy núi trập trùng phía xa. Khu du lịch thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy vắng bóng một người đàn bà đã có chồng và một cô con gái nhỏ. Họ đi để lại tiếng “con lai” cho cô gái bé nhỏ Thụy Anh. Họ đi để lại một nỗi buồn sâu thẳm trong tiếng vỹ cầm mỗi khi hoàng hôn gục vào ngực sông lau nước mắt. Sao mẹ mãi không về?
Thụy Anh đã đặt tên cho vườn hoa cải vàng của cha là hoa vỹ cầm, một cái tên vừa kiêu sa vừa buồn, vừa vút cao hy vọng vừa trầm lắng suy tư. Cô hiểu vì sao ngày xưa ở quê, cứ đến mùa hoa vàng cha lại ra vườn ngồi chờ mong một điều gì đó. Vì sao cha phải tìm mua bằng được một ngôi nhà có vườn, vì sao ngay khi dọn về đây cha đã đạp xe mấy chục cây số tìm mua hạt giống về trồng. Phải chăng cha sợ mẹ lạc lối không biết đường về nếu không còn rặng hoa vàng nữa? Dù chỉ còn một cánh tay, nhưng hằng ngày Thụy Anh vẫn dành một khoảng thời gian ra chăm tưới vườn vỹ cầm. Lại sắp đến mùa vỹ cầm nở vàng rực cả căn nhà cô quạnh. Mùa ấy, tiếng vỹ cầm trong ký ức lại vút cao, trên khung ảnh cha đôi mắt như mong mỏi, đợi chờ.
Truyện ngắn củaTẠ ĐỨC AN