Hoa muống biển nở muộn

17/10/2021 08:01

Đang ngắm trời biển mây nước, thì anh Chương dẫn Dung ra ngọn hải đăng. Nhìn thấy Sinh, Dung khoe tìm được mấy bông muống biển nở muộn đẹp quá, sắc tím cứ thẫm đi.

Minh họa: HUY CHƯƠNG


Đôi tay nhỏ bé mềm mại với những ngón thon dài của Dung đã bất ngờ nắm lấy tay Sinh, đôi mắt biết nói như muốn bảo, hãy đi với em, đến chỗ có hoa muống biển, em sẽ chỉ cho anh thấy vẫn còn hoa muống biển nở muộn đẹp đến thế nào. Sinh thấy toàn thân như có luồng điện chạy qua, một màu hoa muống biển tím ngát đang rung rinh trong mắt, mùi thơm rất lạ đang bảng lảng quanh anh, mùi con gái. Anh nghiêng người, nhìn sâu vào đôi mắt ấy, nghe rạo rực đang dâng ngập lòng. Anh đưa tay lên nhẹ vuốt mái tóc mây bồng bềnh đang đổ dài sau lưng Dung, cái cổ cao kiêu hãnh đã ngả vào vai anh, đôi mắt nhìn anh đắm đuối. Cả khuôn mặt Dung đã ửng hồng như trái đang chín. 

Này, Sinh! Một tiếng nói ồm ồm quen quen cất lên sau lưng Sinh, cả hai giật mình, cô gái vùng khỏi tay Sinh chạy mất hút lên đồi. Sinh mở mắt, hốt hoảng quay lại, cậu Thăng nhìn Sinh. Gớm, ngủ say sưa quá. Mặt trời đang lên giữa biển rồi kìa mà còn mơ với mộng. Sinh đưa tay sờ lên má, thấy má vẫn còn rừng rực nóng và đâu đây vẫn phảng phất mùi con gái. Sinh biết anh đã lại mơ.  

Đứng trên ngọn hải đăng, điểm cao nhất của đảo phóng tầm mắt nhìn ra xa, chưa bao giờ Sinh thấy cảnh tượng thiên nhiên lại đẹp như sáng hôm nay, những mảng màu xanh của mây trời, nước biển, của núi đồi, cây cối... tất cả đang biến hóa sắc màu trong ánh bình minh, một bức tranh sơn thủy mà màu sắc luôn biến đổi từng giây, Sinh nghĩ đến Dung với đôi bàn tay bé nhỏ và những ngón tay thon dài mềm mại đang thêu hoa đính hạt lên tấm lụa, Sinh đã ngắm trộm và mê mẩn đôi bàn tay ấy trước khi quen với chủ nhân. 

Sinh vào nhà anh Chương định bàn việc tổ chức đêm lửa trại đoàn kết quân dân. Anh Chương là cán bộ xã phụ trách văn hóa, là đội trưởng đội văn nghệ xung kích của địa phương. Nhưng chiều ấy đến nhà anh Chương thì Sinh lại nhìn thấy một cô gái khá xinh đang ngồi dưới tán lá xanh khâu vá, thêu thùa những chiếc váy áo rực rỡ. Sinh vốn nhát gái, lại là gái lạ đến đảo thì Sinh càng ngại tiếp xúc, anh đứng ngoài cổng định chờ anh Chương ra. Những ngón tay thon dài khéo léo vẫn cần mẫn rút kim, cho đến khi cái đầu nghiêng nghiêng kia ngẩng lên, đôi mắt đen dài ngạc nhiên nhìn chiếu tướng vào kẻ đứng bên hàng rào cạnh cánh cổng, cái miệng nhoẻn cười làm quen, rồi cô gái cất giọng nói dịu dàng gọi chị Chương báo có khách. 

Sinh không thể không vào. Chị Chương mang nước ra bàn và giới thiệu: "Đây là Dung, em gái chị, từ đất liền ra chơi được hai hôm nay". Nghe Dung nói chuyện một lúc, Sinh buột miệng khen Dung khéo tay. Chị Chương cười: Chú khen thế thì có là khen phò mã tốt áo, may mặc là nghề của dì ấy đấy. Anh Chương vớ được em vợ ra chơi như thêm tay thêm chân, giao cho dì ấy một đống những trang phục cũ của đội văn nghệ nhờ cắt sửa, chỉnh trang lại cho đẹp để chuẩn bị đêm lửa trại quân dân đấy. 

Nói chuyện tới lúc anh Chương về thì Sinh biết thêm về Dung là em út trong gia đình, hiện đã mở một tiệm may thời trang ở gần chợ. Sinh cũng kể cho Dung nghe, bố là bộ đội đã về hưu, mẹ làm ruộng. Sinh ra đảo đóng quân đã được ba năm, nhà có hai chị em, chị cả đã lấy chồng. Ngay đêm ấy về, Sinh có vẻ khó ngủ, cứ nhớ về những câu chuyện đã nói với Dung, tự chất vấn mình tại sao khi mới quen mà đã kể nhiều đến thế. Cậu Thăng nằm cạnh thấy Sinh trở mình hỏi: Lo lửa trại sao mà không ngủ đi? 

Đêm. Trăng sáng hắt cả một vệt dài vào đầu giường. Sinh nghiêng người ra phía cửa sổ để ngắm trăng. Ngày xưa, Vân nói trong một đêm trăng khi hai đứa rủ nhau đi chơi dọc bờ sông, nếu có con gái đầu lòng, Vân sẽ đặt tên là Nguyệt. Ngồi trên thành cống Chằm, hai đứa nói những câu chuyện chẳng ra đầu ra cuối. Vân có thích yêu bộ đội không? Chừng như mắt Vân đã long lanh hơn, má Vân nóng bừng hơn khi tay Sinh chạm lên má Vân. Vẫn còn ngạc nhiên khi nghe Sinh hỏi như thế, nhưng chưa nói được câu gì thì có tiếng bố Vân húng hắng ho từ bụi chuối, thế là Vân rời tay Sinh ra, vội vã chạy ra đằng sau nhà kho đi về nhà vì sợ bố bắt gặp. Hai đứa khi ấy vừa học xong lớp 12.

Ngày Sinh lên đường là một ngày mưa rả rích, chiếc khăn tay Vân thêu tặng Sinh đã ướt đầm vì Sinh dùng để lau nước mưa, lau cả mấy giọt nước mắt bởi Vân đã không thể ra tận nơi tiễn Sinh lên đường. Những dòng xe chở tân binh chuyển bánh, những cái nắm tay vội vã và những đôi mắt nhìn nhau đăm đắm, lưu luyến chẳng rời, mẹ Sinh bảo cứ hệt như những buổi đưa tiễn lính ra chiến trường năm xưa, hệt như buổi mẹ đi đưa bố lên đường đấy! Sau này Vân đi lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình. Chị gái Sinh bảo, tên con gái Vân trùng với tên cái Nguyệt mà cậu đã đặt cho con chị. Sinh im lặng!

Càng ngày, lòng Sinh càng chống chếnh, nhất là mỗi khi đứng lặng ngắm biển chiều hay trèo lên ngọn hải đăng nhìn ra xa, nhớ nhung rất mơ hồ và hỗn độn, nó trộn vào nhau, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ người thân, nhớ xóm làng và nhớ Vân. Nhưng Sinh biết, nhớ Vân giờ là nhớ lại kỷ niệm thời trai trẻ, như nhớ hình bóng quê nhà. 

Đang ngắm trời biển mây nước, thì anh Chương dẫn Dung ra ngọn hải đăng. Nhìn thấy Sinh, Dung khoe tìm được mấy bông muống biển nở muộn đẹp quá, sắc tím cứ thẫm đi. Sinh nghe, ngẩn người nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn đang vung vẩy bông hoa. Nhớ lại giấc mơ đêm qua, Sinh thấy má mình bỗng nóng giần giật, còn cánh môi thì cứ máy liên tục. Sinh tránh cái nhìn của Dung.

Đợi cô em vợ đi ra xa, anh Chương kể, lâu lắm nó mới vui vẻ như vậy, kể từ cái ngày nó trả lễ người ta. Sinh tò mò về việc Dung trả lễ là sao, anh Chương kể: có người làm mối, anh ta đến tìm hiểu, yêu nhau được ba tháng thì xin cưới. Đã ăn hỏi, đăng ký, bắc rạp, mổ lợn rồi, chỉ chờ nhà trai sang dẫn cưới và đón dâu lần một là coi như ván đã đóng thuyền thì bất ngờ có một cô gái vác cái bụng to như cái thúng  đến, khóc lóc bảo là người yêu cũ, giờ anh ta bỏ mặc cô ấy có chửa để đi lấy Dung. Dung chết lặng, rồi lao vào trong buồng đóng sập cửa lại, vật vã khóc lóc trong đó. Một tiếng sau đi ra, bảo bố mẹ sắp lễ để Dung mang trả, không cưới xin gì hết. Thà bị đau một lần còn hơn đau khổ cả đời khi phải sống với một người lừa dối. Đã ba năm trôi qua mà Dung vẫn bị ám ảnh về đàn ông, ai đến cũng sợ bị lừa gạt, sợ bị tổn thương lần nữa. 

Phía dưới dốc, đang trèo qua mấy tảng đá để đi tìm hoa dại thì bỗng Dung trượt chân ngã. Sinh lao xuống. Ống quần Dung bị rách toạc, bắp chân rớm máu. Sinh vội vàng cõng Dung vào trạm băng bó, Dung đỏ mặt ngượng ngùng. Sau khi đưa Dung về, Sinh cũng không hiểu vì sao mình lại dám cả gan nắm tay rồi cõng người ta khi người ta còn chưa cho phép.

Tối, Sinh đến chơi nhà anh Chương nói chuyện để bàn bạc về chương trình. Mọi việc đã đâu vào đấy, không phải lo gì đâu, nói rồi anh Chương bảo đi họp, chị Chương lại đi giặt quần áo, còn mỗi Dung ngồi chơi với Sinh. Chuyện về hoa muống biển, về ngọn hải đăng, về biển, về dân trên đảo, mọi lần nói với người khác Sinh chẳng có hứng thú gì vì nó quá quen, rất đỗi giản dị thế mà nói chuyện với Dung thì anh lại thấy sao mà nó thú vị, lãng mạn đến thế. Lúc Sinh ra về, Dung đi theo tiễn Sinh ra tới ngoài cổng thì định quay vào ngay để chuẩn bị trang phục cho đêm lửa trại. Sinh lừng chừng muốn níu Dung lại trò chuyện thêm vì chẳng muốn tạm biệt lúc này, nhưng chưa biết nói gì, ngửa mặt nhìn thấy trời đêm nhiều mây đang kéo đến, thấy có hơi lạnh, Sinh buột miệng, có khi là đảo sắp đón mưa, Dung chưa biết mưa trên đảo nhỉ? Dung gật đầu, bao giờ thì mưa hả anh? Có thể là đêm nay hoặc sáng mai thôi. Đôi bàn tay Dung đưa lên vuốt vuốt tóc. Có chú lính nào đó đã nói, con gái duyên nhất là đưa tay lên vuốt tóc mai của mình. Lòng Sinh chộn rộn. 

Nằm mãi khó ngủ, Sinh lại tiếc. Sinh đã cầm bàn tay đó để cõng chạy vào trạm suốt một chặng đường dài, sao đêm qua lại không dám cầm bàn tay đó lần nữa mà lại đi nói mấy lời dự báo thời tiết vu vơ thế chứ? Có phải đêm nào mây đến là trên đảo cũng có mưa đâu? Mai mà trời không mưa nếu gặp Dung thì biết phải ăn nói làm sao? Nghĩ miên man rồi Sinh thiếp đi từ lúc nào. Giấc mơ lại đến với Sinh, Dung cầm tay Sinh đặt bông hoa muống biển vào tay anh, rồi anh bạo gan nắm lấy đôi bàn tay êm ái đó kéo vào ngực mình. Sinh cũng nhắm mắt đặt lên môi Dung một nụ hôn say đắm. Tỉnh dậy giữa đêm, người Sinh vẫn còn rung lên những cảm xúc khó tả.

Trời đã không mưa cho tới tận lúc đốt lửa trại vui văn nghệ xong. Tối nay Dung phụ trách giúp đội văn nghệ mặc trang phục. Sinh để ý Dung đã cười nói suốt trong đêm giao lưu, về cuối chương trình, mọi người vui vẻ nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa, Sinh và Dung đối diện nhau trong vòng tròn đó, vì Sinh đã không ra kịp, tay Dung với những ngón thon dài nhỏ nhắn đang bị cậu Thăng và một chị trong đội văn nghệ nắm dắt đi, ánh mắt Sinh nhìn Thăng như táp lửa. Dung vẫn cười hát như chẳng để ý tới sự hậm hực trong lòng Sinh. Ánh lửa bập bùng, tiếng sóng biển xô vào bờ đá dào dạt như cảm tình đang dâng mãnh liệt trong lòng Sinh. 

Trời về khuya, lúc đống lửa sắp tàn, thì trời bỗng có mấy tiếng sấm và loáng thoáng có những hạt mưa rơi xuống. Mọi người rủ nhau mau ra về còn hứng nước mưa. Sinh thấy dáng Dung đi một mình liền chạy đuổi theo, đưa cho cô tấm áo mưa mỏng, giục Dung mặc vào kẻo ướt, rồi để anh đưa Dung về. Em... biết đường rồi. Biết nhưng chưa thuộc được bằng anh. Dung lặng im, hai bàn tay đan vào nhau, những giọt mưa rơi nặng hạt hơn, bám đầy lên tóc, lên má, Sinh định quàng áo mưa khoác cho Dung thì Dung chợt cầm tay anh giữ lại, những ngón tay mềm mại thon dài đang nắm cổ tay anh và giọng Dung khẽ vang lên như tiếng mưa rơi: Mình đội chung đi kẻo anh ướt mất. Sinh nắm tay Dung, mắt nhìn vào mắt Dung đầy khát khao. Biển đảo đợi mãi, cuối cùng thì mưa đang về rồi, em có nghe thấy tiếng gì không? Tiếng gì cơ, hơi thở của Dung đã sát bên cằm Sinh. Sinh nhắm mắt để cho môi anh tự tìm đôi môi đỏ ướt cánh hoa lựu vừa hé nở.

Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoa muống biển nở muộn