Họ từng là cựu thù

29/04/2021 20:09

Năm 1966, một phi công người Mỹ bị dân quân xã An Bình (Nam Sách) bắt giữ sau khi máy bay bị bắn rơi. 31 năm sau, có 2 người từng là cựu thù đã tìm lại nhau.

Dù những cuộc gặp chóng vánh, nhưng những cái bắt tay thật chặt đã giống như một biểu trưng cho trang sử mới của mối quan hệ giữa 2 đất nước từng ở đôi bờ chiến tuyến.


Ông Pete Peterson và ông Nguyễn Danh Sính gặp nhau năm 1997

"Tôi nhớ ơn ông!"

Đó là câu đầu tiên mà cựu phi công Pete Peterson, lúc giữ vai trò Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam thốt lên khi gặp lại ông Nguyễn Danh Sính - người từng bắt mình vào năm 1966.

Năm 1997, ông Sính được báo tin: "Có vị Đại sứ Mỹ, là phi công từng bị các ông bắt sẽ đến thăm nhà". Với ông Sính, 1 tuần chờ đợi cuộc gặp mặt ấy dài như cả tháng. "Ông ấy giờ là quan chức Mỹ, sao lại tìm về đây? Một ông già quê mùa như mình sẽ nói với ông ấy điều gì?", những câu hỏi ấy cứ luôn lởn vởn trong đầu ông Sính.

Rồi ngày ấy cũng đến. Một buổi chiều, phía đầu ngõ lao xao, 1 nhóm người "cả tây, cả ta" bước đến. Người đi giữa, khuôn mặt dù nhiều thay đổi nhưng vẫn cái dáng to cao, ông Sính nhận ra ngay đó là phi công từng bị mình bắt năm nào. Một cái nắm tay thật chặt, 2 ánh mắt nhìn thẳng vào nhau, những lời hỏi han, làm cho những hoài nghi ban đầu tan biến. Thay vào đó là những tiếng cười, những kỷ niệm được nhắc lại thông qua người phiên dịch.

Đêm 10.9.1966, ông Pete Peterson lúc đó 31 tuổi, cùng 1 viên phi công người Úc lái máy bay đánh phá cầu Phú Lương và cầu Lai Vu. Khoảng 21 giờ, chiếc F-4 Phatom II số hiệu 640832 của họ bị bộ đội tên lửa bắn rơi. Khi nhảy dù xuống thôn An Đoài (xã An Bình), Pete Peterson bị gãy xương bả vai, cánh tay và trật khớp gối. Sau khi phát hiện máy bay rơi, dân quân xã An Bình được lệnh tìm kiếm phi công. Cùng với 2 người khác, ông Sính lúc đó là Trung đội phó Trung đội Dân quân xã đã phát hiện và bắt giữ ông Pete Peterson. Viên phi công người Úc cũng bị bắt giữ vào hôm sau khi đang lẩn trốn cách làng An Đoài một đoạn. Pete Peterson còn bị vỡ xương mắt cá chân nên dân quân ta phải cắt giầy và dìu về làng. Lúc bị bắt, trên tay viên phi công này còn 1 khẩu súng. Theo phản xạ, ông Sính dùng báng súng của mình thúc vào vai ông Pete Peterson để trấn áp. Dân quân đi vòng trong bảo vệ, dân làng vây phía ngoài. Dân quân xã phải nhốt tù binh vào kho và báo cáo cấp trên đến tiếp nhận để bảo đảm an toàn. Có thể vì những chi tiết ấy, nên ông Pete Peterson nhiều lần tỏ lòng biết ơn khi những người du kích năm xưa, trong đó có ông Sính đã đứng ra bảo vệ mình trước mối thù của người dân quê khi xóm làng bị tàn phá và người thân của họ phải ngã xuống vì bom Mỹ.

Xoa dịu vết thương

Cuộc gặp đó chỉ diễn ra chừng 15 phút. Ban đầu, với ông Sính, cuộc gặp chóng vánh sau 31 năm chỉ như thế rồi thôi, nó giống như một thủ tục, 1 câu "xí xóa", nhưng không ngờ, đó mới là sự khởi đầu. Bởi lẽ, ông Pete Peterson còn cùng vợ quay lại An Bình xây trường tiểu học. Và ông Sính còn có nhiều lần vào Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội theo lời mời của ngài Đại sứ.

Nay đã ở tuổi 95, ký ức mờ dần nhưng ông Sính không thể quên 5 lần vào Đại sứ quán Mỹ ở đường Láng Hạ. Đó là một khu nhà rộng lớn và nghiêm ngặt. Dù có hẹn trước nhưng để gặp được ngài Đại sứ phải trải qua nhiều thủ tục. Trong những lần gặp ấy, những kỷ niệm của lần gặp mặt bất đắc dĩ 31 năm về trước luôn được nhắc tới. Đó là chuyện ông Pete Peterson đã cầu nguyện vì nghĩ mình sẽ không sống sót khi bị dẫn giải về làng. Chuyện ông khát nhưng nhất định không chịu uống nước vối đựng trong một chiếc gáo dừa mà chỉ uống khi một người mang cho nước đựng trong cốc thủy tinh... Sau mỗi lần gặp gỡ, chuyện trò ấy là những bữa cơm thân mật của 2 người, họ giống như những người bạn già lâu ngày gặp lại.

Còn có một chuyện ít người biết, trong những lần gặp gỡ, ông Pete Peterson cùng vợ đã đặt vấn đề xin cháu nội ông Sính làm con nuôi để mang về Mỹ. Thời điểm đó, cô cháu gái của ông Sính mới 14 tuổi, không muốn xa gia đình nên nguyện ước của vợ chồng ngài Đại sứ không thành hiện thực. Không chỉ vì chuyện đó, mà cả lời mời đến thăm Mỹ ông Sính cũng từ chối làm cho đến giờ ông luôn cảm thấy chưa trọn vẹn với người bạn Mỹ.

Theo lời ông Sính, lần trở lại Việt Nam năm 1997, cho đến hết nhiệm kỳ Đại sứ, dù không nói ra, nhưng dường như ông Pete Peterson đang trả một món nợ với người dân Việt Nam, vì cuộc chiến tranh phi nghĩa mà người Mỹ đổ xuống một đất nước xa xôi.

Không chỉ xây một ngôi trường ở quê hương ông Sính, sứ mệnh hàn gắn, hòa giải còn được ông Pete Peterson thể hiện suốt nhiệm kỳ tại Việt Nam và mãi sau này. Ông là người tích cực giám sát thỏa thuận thương mại khi 2 nước bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm Mỹ cấm vận kinh tế Việt Nam. Ông còn có sáng kiến nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe và sự an toàn, khuyến khích sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, xe máy; hợp tác phát triển chương trình ngăn chặn đuối nước cho trẻ em... Và càng ít người biết được, ông Pete Peterson còn có mối lương duyên đặc biệt đối với mảnh đất hình chữ S., khi người vợ thứ hai của ông là người Việt Nam - bà Lê Vi, từng là Cao ủy Thương mại Australia tại Việt Nam.

Ông Pete Peterson từng cho biết với sứ mệnh hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ những trở ngại trong quan hệ giữa 2 nước và đặt viên gạch đầu tiên cho những bước phát triển, hợp tác, nhiệm kỳ đại sứ của ông là một kỷ niệm đẹp đẽ về đất nước và con người Việt Nam. Họ đã dang rộng vòng tay đón những người từng là đối thủ, họ dũng cảm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lùi xa 46 năm. Lịch sử không thể xóa nhòa nhưng những người Mỹ và người dân Việt Nam đã cùng gác lại quá khứ, trải qua mối quan hệ bình thường, hợp tác chặt chẽ hơn một phần tư thế kỷ. Câu chuyện giữa ông Sính và Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam - Pete Peterson đã chứng minh cho điều đó!   

Ông Pete Peterson sinh năm 1935, tham gia lực lượng không quân Mỹ năm 19 tuổi. Sau khi máy bay bị bắn hạ, ông Pete Peterson bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1966-1973. Năm 1991, ông tham gia vào chính trường Mỹ với 3 nhiệm kỳ Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ ở bang Florida. Năm 1996, ông được Tổng thống Clinton cử làm Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam và đến nhậm chức vào năm 1997.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Họ từng là cựu thù