Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong tỉnh đã tập hợp nhiều nguồn lực hỗ trợ hội viên xây, sửa nhà, chữa bệnh, phát triển kinh tế...
Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Cẩm Giàng phối hợp với lương y
Đỗ Ngọc Giao ở thị trấn Lai Cách khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các nạn nhân da cam
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 15 nghìn người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Trong đó, có trên 800 hộ có từ 2 -5 nạn nhân, khoảng 100 cháu là thế hệ thứ ba.
Hướng về nạn nhân da cam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thành lập các cấp hội. Đến nay tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã đã thành lập xong hội cấp huyện. Toàn tỉnh đã thành lập được 181 hội cấp xã. Số hội viên tham gia vào hội trong toàn tỉnh là 4.129 nạn nhân. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan đã tổ chức hội thảo, đưa ra các giải pháp thúc đẩy việc giải quyết hồ sơ cho những người nhiễm chất độc hóa học. Với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, đến nay, tỉnh ta đã có 6.088 người được giải quyết hưởng trợ cấp hằng tháng, tăng trên 1.000 trường hợp so với năm 2010.
Đóng vai trò chính trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin các cấp. Hằng năm, các cấp hội đều hỗ trợ tiền xây, sửa nhà, giúp đỡ nạn nhân khó khăn về tiền giống, vốn phát triển kinh tế và tiền thuốc chữa bệnh. Năm 2011, kỷ niệm 50 năm thảm họa chất độc da cam Việt Nam, ngay từ đầu năm, các cấp hội trong tỉnh đã có những hoạt động chăm sóc nạn nhân; tổ chức tọa đàm “Thảm họa da cam - Nỗi đau còn đó”; tổ chức mít tinh, diễu hành, tuyên truyền. Cũng trong năm 2011, toàn tỉnh đã phát động đợt gây quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, được các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng. Kết quả, toàn tỉnh đã vận động được trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh quản lý trên 700 triệu đồng, cấp huyện quản lý trên 990 triệu đồng, cấp xã quản lý trên 725 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp hội tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các cơ quan trị giá trên 700 triệu đồng. Với số tiền trên, nhiều gia đình nạn nhân đã được hỗ trợ xây, sửa nhà, giúp đỡ giống, vốn, nhiều con em nạn nhân được trao tặng học bổng...
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương hỗ trợ gia đình ông Bùi Văn Thẩm,
ở xóm 6, thôn Phượng Đầu, xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) 30 triệu đồng xây nhà "mái ấm tình thương"
Ông Phùng Văn Chỉ, sinh năm 1956, nạn nhân chất độc da cam thôn An Phú, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) ở trong căn nhà cũ xuống cấp, dột nát, có nguy cơ sập. Năm 2012, bố con ông đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin hỗ trợ 10 triệu đồng cùng với anh em họ hàng xây căn nhà mới. Hoàn cảnh gia đình ông Bùi Văn Thẩm ở xóm 6, thôn Phượng Đầu, xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) cũng khiến không ít người ngậm ngùi thương cảm. Số tiền trợ cấp hằng tháng của bố con ông chẳng thấm tháp gì với tiền thuốc chữa bệnh. Thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh, tháng 7-2012, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hải Dương đã hỗ trợ gia đình ông 30 triệu đồng xây dựng căn nhà mới. Còn nhiều trường hợp nạn nhân da cam khác cũng đã và đang được hỗ trợ.
Trong năm 2011, các cấp hội và các tổ chức, các nhà doanh nghiệp đã ủng hộ, trợ giúp 965 gia đình nạn nhân với tổng số tiền trên 631triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ sửa và làm nhà cho 15 hộ trị giá trên 311 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội, các cơ quan, doanh nghiệp đã hỗ trợ và trao quà cho 1.774 lượt nạn nhân, trị giá trên 850 triệu đồng; hỗ trợ 6 hộ làm nhà, trị giá 63 triệu đồng.
Những ngày tháng 8 này, các hoạt động hướng về nạn nhân chất độc da cam lại diễn ra cao điểm ở khắp các địa phương. Ông Nguyễn Văn Thuỳ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh cho biết: “Từ nguồn quỹ và nguồn hỗ trợ, Tỉnh hội sẽ hỗ trợ 9 hộ làm nhà với số tiền 410 triệu đồng; sửa 14 nhà với số tiền 143 triệu đồng; tặng 70 suất quà cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng”. Các cấp hội huyện, xã cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam.
Để làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, trong thời gian tới, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong tỉnh tiếp tục phát triển và kiện toàn tổ chức. Tiếp tục khảo sát, nắm chắc những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đủ điều kiện báo cáo để Thường trực Tỉnh hội kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết chế độ. Đẩy mạnh việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân với tôn chỉ đúng người, đúng địa chỉ, đủ về số lượng. Xem xét và hỗ trợ sửa chữa nhà cho nạn nhân ở những huyện chưa triển khai; tiếp tục đôn đốc, theo dõi và thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng… để các cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội hiểu về thảm hoạ da cam ở Việt Nam, về nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam. Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp, vận động ủng hộ cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam. Từ nay đến cuối năm, hội cấp huyện phấn đấu vận động xây dựng quỹ hội đạt từ 100 triệu đồng trở lên, hội cấp xã đạt từ 20 triệu đồng trở lên.
Bằng những việc làm thiết thực của toàn thể xã hội, những nỗi đau thể xác, tinh thần của các nạn nhân da cam đã phần nào được sẻ chia, xoa dịu.
NGỌC HÙNG