Hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh

09/02/2012 07:38

Nhờ những chương trình tín dụng ưu đãi do HND huyện tín chấp, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá, giàu của xã.



Nuôi gà giúp anh Liêm, thôn An Khoái, xã Tứ Cường trở thành hộ sản xuất,
kinh doanh giỏi cấp Trung ương


Tới thăm trang trại chuyên nuôi gà thịt của anh Nguyễn Văn Liêm, thôn An Khoái, xã Tứ Cường (Thanh Miện), chúng tôi khâm phục trước sự mạnh dạn trong phát triển kinh tế của người nông dân trẻ này. Trên diện tích gần 2.500 m2, hàng chục dãy chuồng trại san sát được xây dựng hoàn toàn khép kín.

Năm 2006, sau khi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về, anh Liêm quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại trên phần đất nhận khoán của địa phương. Thời gian đầu, anh nuôi gà, lợn. Tuy nhiên, đợt dịch tai xanh năm 2008 đã khiến toàn bộ đàn lợn của gia đình anh bị tiêu hủy, bao nhiêu vốn liếng mất sạch. Anh Liêm cho biết: "Sau vụ đó, tôi thấy nếu cứ chăn nuôi theo kiểu truyền thống thì hiệu quả kinh tế thấp, vật nuôi rất dễ nhiễm bệnh. Với chút vốn còn lại cộng thêm với vốn vay của Hội Nông dân (HND), tôi xây chuồng trại theo kiểu khép kín để chuyên nuôi gà thịt. Tôi chọn giống gà 707 của Công ty TNHH Giống gia cầm CB (Chương Mỹ - Hà Nội). Đây là loại gà lớn nhanh, ít bệnh, chất lượng thịt tốt. Để bảo đảm đầu ra, tôi liên hệ với các khu công nghiệp và các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung cấp cho các bếp ăn của công nhân. Vì vậy, sản phẩm của trang trại luôn được bán hết". Mỗi năm, anh Liêm nuôi 6 lứa, khoảng 12 nghìn con/lứa. Sau khi trừ chi phí, mỗi lứa anh Liêm thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Ngoài vay vốn từ các tổ chức hội, anh Liêm còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do HND huyện tổ chức. Những kiến thức cơ bản của các lớp học này giúp anh rất nhiều trong quá trình phát triển kinh tế của gia đình.

Đối với anh Vũ Kim Thuận, thôn Đông La, xã Hồng Quang thì số vốn vay của HND đã giúp anh thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Với số tiền gần 20 triệu đồng vay từ HND, anh Thuận quyết định mua máy cày để phục vụ việc làm đất cho gần 3 mẫu ruộng của gia đình và làm thuê cho bà con trong thôn. Từ ngày có máy cày, anh đã chủ động hơn trong việc làm đất và tiết kiệm được chi phí. Số tiền tiết kiệm đó cộng với tiền làm thuê cho bà con, anh đã có kinh phí để trả nợ và trang trải cuộc sống của gia đình. Tại xã Hồng Quang, ngoài anh Thuận còn có gần 30 hộ nông dân đã vay vốn để mua máy cày phục vụ sản xuất. Ông Nhữ Văn Tiến, Chủ tịch HND xã Hồng Quang cho biết, năm 2011, toàn xã có 6 hộ nhận vay vốn mua máy cày theo Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ, nâng tổng số hộ mua máy theo chương trình vay vốn lên 29 hộ. Xã Hồng Quang thực hiện tốt nhất chương trình hỗ trợ nông dân mua máy cày trên địa bàn tỉnh. Đạt được kết quả này là do HND xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan. Nhờ chương trình này, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá, giàu của xã.

Ông Lê Văn Duẩn, Chủ tịch HND huyện Thanh Miện cho biết, với một huyện thuần nông, việc giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội trong huyện. Đối với người nông dân, vốn để sản xuất, kinh doanh (SXKD) là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, HND huyện đã đứng ra tín chấp và nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân để người dân được vay vốn với lãi suất thấp phục vụ phát triển sản xuất. Riêng năm 2011, HND các cấp đã đứng ra tín chấp cho nông dân vay trên 70 tỷ đồng. Ngoài ra, hội còn khai thác từ quỹ hội, quỹ hỗ trợ nông dân các cấp hàng chục tỷ đồng cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi. Các cấp hội thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nông dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế cao. HND liên hệ với các cơ sở có uy tín như Trường Đại học Nông nghiệp I, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm Trung ương, Viện Di truyền Trung ương, Viện Rau quả Trung ương... để cung cấp giống cho nông dân. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm nuôi trồng của người nông dân ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, HND huyện còn đứng ra liên kết với các đơn vị sản xuất phân bón cung ứng cho nông dân với hình thức trả chậm. Dưới sự bảo lãnh của HND, các hộ nhận phân bón đầu vụ, cuối vụ thu hoạch mới trả tiền nên người nông dân chủ động về phân bón, không bị ép giá, không mua phải phân bón kém chất lượng... Năm 2011, HND huyện đã cung cấp cho nông dân 850 tấn phân bón trả chậm. Trong năm 2011, HND huyện cũng tổ chức được 141 buổi chuyển giao kỹ thuật cho trên 11 nghìn lượt người, 122 buổi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật, 19 buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thủy sản cho hàng chục nghìn lượt hội viên nông dân.

Nhờ sự hỗ trợ có hiệu quả của các cấp hội, phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và SXKD giỏi của nông dân huyện Thanh Miện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2011, toàn huyện có 13 nghìn hộ SXKD giỏi, trong đó có 14 hộ SXKD giỏi cấp Trung ương, 686 hộ giỏi cấp tỉnh và trên 2.000 hộ giỏi cấp huyện. Phong trào này cũng góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của huyện xuống còn 11,25% (giảm 2% so với năm 2010), góp phần vào sự phát triển chung của huyện.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh