Được sự giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân (HND) trong huyện, nhiều nông dân ở huyện Bình Giang đã mua được máy nông nghiệp.
Máy móc đã giúp nhà nông sản xuất kịp thời vụ, giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân, anh Huấn ở xã Thái Dương mua được máy gặt đập liên hợp
để gặt thuê cho các hộ trong xã Hiệu quả bước đầuÔng Chu Hồng Đạo ở thôn Châm Giữa, xã Thái Hòa là một trong những hộ được hưởng lợi từ đề án "Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2008 - 2010" của HND tỉnh. Năm 2009, được sự giúp đỡ của HND huyện, xã, gia đình ông đã mua được máy cày loại nhỏ với số tiền 16 triệu đồng, trong đó ngân hàng cho vay 12 triệu đồng không lãi suất. Từ khi có máy cày, gia đình vừa cày cấy nhanh vừa làm thuê cho bà con trong và ngoài thôn, mỗi vụ trừ chi phí thu được gần 10 triệu đồng. Ông Đạo cho biết: "Đến nay, tôi đã trả hết nợ vay ngân hàng. Tháng 5 vừa qua, khi HND tỉnh có đề án hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp, tôi tiếp tục mua thêm 1 máy tuốt lúa với giá 26 triệu đồng". Theo hạch toán của ông Đạo, vụ vừa qua, máy tuốt lúa của gia đình ông đã làm được trên 30 mẫu lúa. Dù chỉ lấy công 50 nghìn đồng/sào, rẻ hơn so với một số hộ khác 5 -10 nghìn đồng/sào, gia đình ông vẫn thu về trên 10 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Tháng 5 - 2012, anh Bùi Văn Huấn ở thôn Kinh Trang, xã Thái Dương mua 1 máy gặt đập liên hợp 75 mã lực trị giá 280 triệu đồng theo đề án hỗ trợ nông dân cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Anh được ngân hàng cho vay hơn 200 triệu đồng không lãi suất trong thời hạn 3 năm. Ngoài thu hoạch lúa cho nông dân trong xã, anh Huấn còn làm thuê cho những hộ dân ở những xã xung quanh. Anh Huấn cho biết: "Vụ vừa qua tôi làm được khoảng 100 mẫu ruộng, trừ chi phí còn lãi trung bình 100 nghìn đồng/sào. Nếu cứ làm ăn thuận lợi thế này thì chỉ 2 - 3 vụ nữa là tôi trả hết nợ". Anh Huấn cũng mua thêm 1 máy làm đất Kubota trị giá 325 triệu đồng, sẵn sàng cho vụ làm đất sắp tới.
Tham gia đề án, ngoài việc một số nông dân mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa, giai đoạn 2008 - 2010, còn có 19 hộ nông dân mua ô-tô phục vụ sản xuất có hiệu quả. Điển hình như anh Đặng Hồng Cưu ở thôn Bằng Giã, xã Tân Việt. Tháng 9-2009, anh Cưu mua ô-tô trọng tải 990 kg với giá 159 triệu đồng, được vay 100 triệu đồng của dự án với lãi suất 0%. Có ô-tô, ngoài vận chuyển thức ăn chăn nuôi, thu hoạch mùa màng, anh Cưu còn làm dịch vụ chuyên chở vật liệu xây dựng. Bình quân mỗi tháng, sau trừ chi phí anh thu về 8 - 10 triệu đồng.
Khẳng định rõ vai trò "cầu nối"
Anh Đào Xuân Điển, Phó Chủ tịch HND huyện Bình Giang cho biết: “Sau khi HND tỉnh triển khai thực hiện đề án hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2008 - 2010, HND huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai tới HND các xã, thị trấn, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến hội viên, nông dân. HND huyện phối hợp chặt chẽ với HND các xã, thị trấn và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xuống từng hộ đăng ký mua máy để xem xét các điều kiện về lao động, vốn đối ứng… Với những hộ đạt tiêu chuẩn, HND huyện và cơ sở giới thiệu đến các cửa hàng, đại lý có uy tín để lựa chọn máy phù hợp. Người mua trực tiếp thanh toán 25% trị giá máy mua. Sau khi các hộ nhận máy, cán bộ HND huyện và cơ sở phối hợp với cán bộ ngân hàng kiểm tra. Kết quả, 100% số hộ được vay vốn theo đề án đều mua máy mới, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và hoàn trả vốn vay đúng thời hạn. Tổng số hộ nông dân mua máy theo đề án giai đoạn 2008 - 2010 ở huyện là 142 chiếc, trong đó có 123 chiếc máy cày, còn lại là ô-tô”.
Nông dân huyện Bình Giang đã mua 7 máy gặt đập liên hợp nhờ đề án hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa
Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Bình Giang đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất kịp thời vụ. Ông Nguyễn Văn Vận, Chủ tịch HND xã Thái Dương cho biết: "Qua thực tế và hạch toán, nếu như giá thuê làm đất bằng trâu hoặc máy cày vỡ đến khi gieo cấy được thì người nông dân phải mất khoảng 150 nghìn đồng/sào. Tuy nhiên, tại nơi có máy của đề án, nông dân chỉ phải trả khoảng 100 nghìn đồng/sào mà chủ máy vẫn có lãi ". Cùng với đó, đề án còn hỗ trợ lãi suất cho các hộ nông dân mua ô-tô tải nhẹ. Đây là chính sách kịp thời của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về "Một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông", trong đó có nội dung đình chỉ lưu hành xe công nông, xe ba, bốn bánh tự chế.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án "Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015" do HND tỉnh chủ trì, các cấp HND huyện Bình Giang đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia. Qua gần 6 tháng triển khai, nông dân trong huyện đã mua được 79 máy các loại, gồm 12 ô-tô tải nhẹ, 52 máy cày, 7 máy gặt đập liên hợp và 8 máy tuốt lúa với tổng kinh phí ngân hàng hỗ trợ lãi suất gần 10 tỷ đồng.
Thông qua việc hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp, vai trò của tổ chức HND các cấp được nâng lên, tạo sự gắn kết giữa tổ chức hội với hội viên nông dân. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, tăng thu nhập.
NGUYỄN MINH