Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), Đảng ta đã xác định kinh tế tư nhân có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với các thành phần kinh tế, kinh tế tư nhân đóng góp một phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, dịch vụ; thu hút trên 51% lực lượng lao động xã hội, tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế "và phải "tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế". Đây được coi là bước tiến quan trọng về nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân trong sự phát triển chung của đất nước.
Nhìn lại những năm qua Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã không ngừng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, trên cơ sở thành lập mới và mở rộng sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chiều sâu về hạ tầng kỹ thuật, đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm, tạo dựng những sản phẩm thương hiệu trong nước và quốc tế. Đồng thời khuyến khích các hộ tư nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, tăng doanh số buôn bán, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo nên mối liên kết có hiệu quả giữa sản xuất và tiêu dùng. Nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực thuê mặt bằng sản xuất, giảm thuế VAT, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp mới thành lập; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn, thị trường, rút ngắn thủ tục thông quan. Các Hiệp hội doanh nghiệp lắng nghe, tập hợp những kiến nghị của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ và chính quyền địa phương đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng gặp không ít khó khăn từ nội tại của từng doanh nghiệp. Về quy mô sản xuất của doanh nghiệp tư nhân thường nhỏ lẻ, thậm chí siêu nhỏ chỉ 5-7 lao động, thiết bị máy móc cũ kỹ, lạc hậu, tiếp cận vốn vay, thế chấp tài sản, mặt bằng nhà xưởng khó khăn. Kinh doanh theo kinh nghiệm, thiếu bài bản, thường tập trung vào những ngành hàng truyền thống, ít sản phẩm mới, chất lượng cao, giá thành hạ, không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cho các hãng sản xuất lớn, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hầu hết số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân có tay nghề thấp, ít được đào tạo bài bản; trình độ quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, Chính phủ và chính quyền các cấp đang có những chỉ đạo quyết liệt với phương châm chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm những thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, người dân. Chính phủ kiến tạo là tạo dựng môi trường để người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV Chính phủ đã trình Quốc hội đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có 5 nội dung cần tập trung ưu tiên, trong đó trọng tâm là phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016, các cấp, các ngành cần tổng kết theo chuyên đề để đánh giá sâu sắc, toàn diện những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân với đất nước, từng địa phương, những mặt yếu kém, hạn chế để từ đó có những quyết sách đúng nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.
VŨ HOÀNG (TP Hải Dương)