UBND tỉnh vừa ra Quyết định 641/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án "Phát triển diện tích cấy lúa bằng mạ khay giai đoạn 2020-2025".
Đề án đưa ra mục tiêu trong năm 2020, diện tích cấy lúa bằng máy cả năm trong toàn tỉnh đạt 5.790 ha, chiếm 5,04% diện tích gieo cấy. Đến năm 2025, đạt 22.280 ha, chiếm 20,2% diện tích lúa.
Đối tượng được hỗ trợ theo đề án là các tổ chức, cá nhân sản xuất mạ khay, cấy máy trên địa bàn tỉnh. Để được hỗ trợ, các cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy phải có quy mô sản xuất từ 10.000 khay mạ/vụ để cấy từ 40 ha lúa/vụ trở lên. Có hợp đồng cung cấp mạ khay với chủ máy cấy, các HTX dịch vụ nông nghiệp, nhóm hộ nông dân. Mức hỗ trợ 1 lần 50 triệu đồng/cơ sở cho chi phí mặt bằng để sản xuất mạ khay nếu có hợp đồng thuê đất từ 3 năm trở lên được UBND xã xác nhận. Hỗ trợ mua khay mạ với số tiền 10.000 đồng/khay, tổng số khay hỗ trợ tối đa không quá 20.000 khay/cơ sở mới mở, 10.000 khay/cơ sở mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng điều kiện hỗ trợ. Mỗi cơ sở mở rộng quy mô được hỗ trợ không quá 2 lần trong thời gian thực hiện đề án. Hỗ trợ mua giá thể lần đầu cho cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy mới để sử dụng làm nền gieo mạ, mức sử dụng 4 kg/giá thể/khay, tổng lượng hỗ trợ tối đa không quá 80 tấn giá thể/cơ sở, số tiền 1.000 đồng/giá thể...
Đề án còn quy định cụ thể việc hỗ trợ mô hình trình diễn và mở rộng mô hình cấy bằng mạ khay, hỗ trợ các địa phương trong công tác tập huấn, tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình. Tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước gần 38,5 tỷ đồng, được trích từ nguồn hỗ trợ bảo vệ đất lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13.4.2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, kinh phí sự nghiệp của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn hợp pháp khác.
Việc thực hiện đề án sẽ góp phần tăng vùng lúa sản xuất hàng hóa tập trung, từ đó tăng thu nhập cho nông dân trên 30% so với gieo cấy thủ công. Ngoài ra, việc mở rộng mô hình cấy máy vào sẽ khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng, giữ gìn, bảo vệ đất lúa...
NGỌC THỦY (tổng hợp)