Những người lính năm xưa xả thân chiến đấu vì Tổ quốc nay vẫn đang cần mẫn lao động, công tác, giữ gìn, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Họ luôn là tấm gương sáng trong công việc và cuộc sống.
Niềm vui bình dị của ông Tập
|
Mỗi khi về thăm quê, người lính lái xe tăng 390 năm xưa lại dành thời gian chăm sóc cháu nội
|
Năm nay, ông Nguyễn Văn Tập đã ở tuổi 60 nhưng vẫn giữ được sự rắn rỏi của một người lính xe tăng. Nhớ lại những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và giờ phút lịch sử tiếp cận Dinh Độc Lập, ông bồi hồi như tất cả mới diễn ra hôm qua: “Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30-4, xe 390 đến được Dinh Độc Lập theo đường Nam Kỳ khởi nghĩa. Thấy xe tăng 843 của Đại đội trưởng Thận dừng trước cổng Dinh, tôi liền hỏi ý kiến anh Toàn, có vào không. Anh Toàn ra lệnh: “Tông thẳng vào đi”. Được khích lệ cộng với suy nghĩ chiến đấu suốt từ Bắc vào Nam chỉ mong đến sào huyệt cuối cùng của giặc, tôi chuyển hướng xe húc đổ hai cánh cổng chính. Cùng lúc đó anh Thận nhảy xuống mang theo lá cờ chạy sau xe tôi”. Khi xe 390 tiến vào Dinh Độc Lập niềm vui chiến thắng của những người lính chưa có cơ hội thể hiện vì ở bên phải có 3 xe thiết giáp M-113 cùng binh lính ngụy án ngữ bảo vệ Dinh. “Thấy xe tăng ta vào, đám lính ngụy sợ hãi bỏ chạy”, ông Tập kể tiếp, “Tôi cho xe trườn qua thảm cỏ đến trước tiền sảnh thì đậu lại. Anh Toàn xách khẩu AK nhảy xuống, yểm trợ cho đại đội trưởng Thận chạy lên cắm cờ. Thấy mọi người ùa vào Dinh tôi nghĩ giờ phút trọng đại này mình không được chứng kiến thì tiếc lắm nên chạy theo. Nhưng đến thềm thứ hai tôi chợt nghĩ: Tình hình hiện tại còn chưa rõ ra sao. Nếu mình vào trong nhỡ địch phản công chiếm xe thì sao, nên vội quay lại. Một lúc sau, xe tăng, bộ binh của ta tiến vào Dinh mỗi lúc một đông, tôi mới thở phào nhẹ nhõm". Vào thời khắc lịch sử đó, Sài Gòn đồng loạt rung chuyển vì tiếng súng bắn chào chiến thắng. Xe tăng 390 cũng bắn một loạt để thể hiện niềm vui. Ông Toàn, ông Tập và ông Tụ - 3 người con đất Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên) ôm chầm lấy nhau trước cửa Dinh Độc Lập vì sung sướng.
Năm 1976, ông Tập xuất ngũ về thôn Đại Tỉnh, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc). Rồi ông và cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn được Công ty CP Sơn Kova nhận vào làm việc. Giờ ông Tập vẫn là lái xe nâng kiêm thủ kho tại xưởng sơn của công ty tại Hà Đông (Hà Nội). Mặc dù sống ở thành phố, ông Tập vẫn giữ sự chân chất nông dân. Mỗi khi về thăm quê, ông lại dành thời gian hiếm hoi cho đứa cháu nội. Ông Tập bộc bạch: "Lương của tôi một tháng được trên 3 triệu đồng. Thuê phòng trọ mất 600 nghìn đồng, trừ ăn uống còn dành dụm được trên 1 triệu gửi về cho gia đình”. Giải thích lý do chưa nghỉ ngơi, ông Tập cho biết: "Mình còn sức khỏe, công việc ở công ty không đến nỗi vất vả, so với làm nông nghiệp thu nhập tạm ổn, cộng với tình cảm mọi người trong công ty dành cho mình nên gắn bó". Mặc dù phải sống xa gia đình, song bù lại người lính năm xưa cũng có những niềm vui nho nhỏ nơi xóm trọ. Đó là việc chủ nhà biết ông là người đã lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập nên rất nể trọng. Những người cùng thuê trọ thỉnh thoảng kéo sang phòng ông uống nước và xem lại những thước phim lịch sử năm xưa. Ông Tập tâm sự: "Tôi có 3 người con, giờ hai con trai đã có gia đình và công ăn việc làm ổn định. Mong muốn duy nhất của tôi là con gái út Nguyễn Thị Hương đã tốt nghiệp ngành sư phạm ổn định được việc làm".
Từ chiến trường tới đời thường
|
Ông Vũ Minh Chỉ đang kinh doanh sắt thép tại gia đình
|
Đến nhà ông Vũ Minh Chỉ trên đường Trần Hưng Đạo, phường Nhị Châu (TP Hải Dương) khi ông đang bán hàng cho khách mua sắt thép. Đây là công việc quen thuộc của ông từ nhiều năm nay. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, tháng 3 - 1974, đơn vị ông được lệnh mở đường tiến công vào Sài Gòn theo hướng đông nam. Từ Hậu Nghĩa qua Vĩnh Lộc, ngã ba Bà Quẹo, ngã tư Bẩy Hiền, đơn vị ông đánh thẳng vào Biệt khu thủ đô của địch. Ngày 30 - 4, với vai trò là đại đội trưởng, ông chỉ huy đơn vị tiến vào biệt khu. Ngồi trên xe tăng, ông phát hiện sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều xe tăng, xe quân sự của địch, ông xin lệnh thọc sâu, tiêu diệt địch. Lúc này, trước thế mạnh vũ bão của quân giải phóng, địch hoàn toàn tan rã như "ong vỡ tổ". Hình ảnh khi tiến vào giải phóng Sài Gòn ông vẫn nhớ như in, đó là quân ta đi đến đâu cũng được nhân dân hai bên đường chào đón nồng nhiệt. Buổi tối, người dân mang cơm, thức ăn, hoa quả đến tặng và liên hoan văn nghệ cùng chiến sĩ. "Khi biết tin hoàn toàn giải phóng Sài Gòn, tôi như người trên mây, vui sướng tột cùng. Sau đó, mấy đêm liền không thể ngủ vì nhiều cảm xúc vẫn tràn ngập. Tôi nghĩ về tương lai đất nước, quá khứ, gia đình...", ông Chỉ tâm sự.
Năm 1967, mới 16 tuổi, ông Chỉ làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Khi tập kết tại Thanh Hóa, đơn vị tuyển chọn lại lực lượng để vào Nam chiến đấu. Với chiều cao 1,58m, nặng 38kg, ông không được chọn và để lại đi đợt sau. Nhưng với trái tim cháy bỏng, nhiệt huyết được cầm súng chiến đấu, ông cắt máu viết thư xin đi. Ông được chấp nhận và phân công vào Đại đội công binh thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 9. Thời gian chiến đấu, ông nhiều lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ. Năm 1991, ông Chỉ về nghỉ chế độ tại quê hương với thương tật hạng 1/4. Làm nhiều nghề mưu sinh, sau đó ông chuyển sang kinh doanh sắt thép. Ngoài việc tích cực lao động, ông tham gia làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Nhị Châu. Hiện nay, điều ông còn băn khoăn, đau đáu trong lòng là tìm lại hài cốt đồng đội đã để lại chiến trường mà trước đây chính tay ông đã chôn lấp, nhưng khó tìm lại dấu tích, địa điểm.
Vẹn nguyên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
|
Ông Nguyễn Duy Nghít luôn là tấm gương sáng cho anh em hội viên cựu chiến binh
|
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Duy Nghít tại trụ sở Hội CCB huyện Cẩm Giàng khi ông đang tập trung triển khai công tác tuyên truyền bầu cử đến các cơ sở hội. Ông sinh năm 1947, ở thôn Hoành Lộc, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng). Năm 1967, ông lên đường nhập ngũ và được bổ sung cho tiểu đoàn pháo binh 9, phân khu 2, sau chuyển về Trung đoàn 115, Sư đoàn 27 đặc công hỗn hợp hoạt động chủ yếu ở vùng Củ Chi, Sài Gòn - Gia Định. Ông không thể quên những ngày đơn vị ông tham gia giải phóng Sài Gòn. Tháng 3 - 1974, đơn vị ông được lệnh chuẩn bị một chiến dịch lớn đánh vào Sài Gòn. Các thành viên trong đơn vị tiến hành trinh sát tìm trận địa, vận chuyển súng đạn, phương tiện sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ dùng 150 quả hỏa tiễn (ĐKB) bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu địch. Những quả hỏa tiễn được giấu kín dưới kênh, rạch cách trung tâm Sài Gòn hơn 5km chờ lệnh. Đêm 28 rạng ngày 29 - 4, nhận lệnh, hàng loạt quả hỏa tiễn được phóng đi nhằm hướng sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu địch đổ xuống. Những loạt hỏa tiễn đã góp phần làm tê liệt các cứ điểm quan trọng của địch. Đến 10 giờ ngày 29, đơn vị ông được lệnh ngừng bắn vì bộ binh của ta đã chiếm được căn cứ của địch. Sáng 30 - 4, đơn vị được lệnh phối hợp với lực lượng bộ binh tiến vào giải phóng Gò Vấp. Ông Nghít kể: "Khi nhận được tin giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi cùng anh em trong đơn vị ôm nhau khóc vì sung sướng". Chiến tranh kết thúc, ông Nghít tiếp tục phục vụ trong quân đội đến năm 1987. Về quê sinh sống, ông được chính quyền, nhân dân tín nhiệm giao làm Bí thư chi bộ thôn, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội CCB xã. Từ năm 2007 đến nay, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội CCB huyện. Thời gian qua, ông luôn phát huy tốt phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", gương mẫu trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Với vai trò là cán bộ CCB, ông nhiệt tình động viên anh em CCB sống tốt, hăng say lao động, sản xuất, làm giàu cho quê hương; tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...
Những người lính năm xưa xả thân chiến đấu vì Tổ quốc nay vẫn đang cần mẫn lao động, công tác, giữ gìn, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Họ luôn là tấm gương sáng trong công việc và cuộc sống đời thường.
DANH TRUNG - NGỌC HÙNG