Thật đáng hổ thẹn cho những người đang lầm đường, lạc lối, tưởng rằng khi đã khoác chiếc áo cà sa lên người là trở thành chính quả.
Những ngày gần đây trên internet đang rộ lên video cùng các bình luận xung quanh cái gọi là tuyên bố ra mắt Chính phủ Việt Nam hải ngoại lâm thời do hòa thượng Thích Thông Lai cùng các cộng sự tổ chức tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 20.11.2018. Sự việc này đã thu hút 150.000 người theo dõi, trên 1.000 nhận xét, tranh luận với đủ loại lời lẽ, người khen, kẻ chê.
Buổi lễ ra mắt do hòa thượng Thích Thông Lai chủ trì diễn ra trong một hội trường có khoảng 300 người tham dự thì trong đó có tới hơn một nửa là người tu hành. Trên sân khấu được bố trí bởi 3lá cờ: Quốc kỳ Mỹ, cờ 3 sọc (cờ của chính quyền Việt Nam cộng hòa trước năm 1975) và lá cờ Phật giáo. Trên phông hậu được treo 3 bức tranh nhà Phật. Trong quá trình ra mắt các thành viên của Chính phủ Việt Nam hải ngoại lâm thời diễn ra nhiều sự nhí nhố, trong đó phải kể đến việc Thích Thông Lai quá khích bế nhấc bổng người đứng bên cạnh như trò đùa của trẻ con…
Tôi xem video này giống như trò hề của mấy con rối và có cảm nhận giống với nhiều người tham gia nhận xét. Giáo lý của nhà Phật trong kinh Pháp cú có chỉ rõ: "Tham sân si là tam độc; là sự ham muốn thái quá; là một cơn giận, nóng nảy, thù hận, không vừa lòng, không như ý muốn; là sự u tối không suy xét theo lẽ phải, hay dở tốt xấu". Khoác trên mình chiếc áo cà sa mà hòa thượng Thích Thông Lai và hàng trăm nhà sư, phật tử có mặt tại buổi lễ ấy dường như đã bỏ qua giáo lý này. Việc các vị đang làm há chẳng phải đang tham danh vọng, muốn sự nổi tiếng, quyền lực, địa vị… và thậm chí qua hoạt động này để huy động, quyên góp tiền tài hay sao? Chiến tranh đã qua đi, hai nước Việt - Mỹ đã bình thường hóa với phương châm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vậy mà các vị vì lòng thù ghét mà tìm mọi cách đi ngược lại dòng chảy lịch sử, đi ngược lại lợi ích quốc gia của cả hai dân tộc Việt - Mỹ. Đó chẳng phải là lòng thù hận thì gọi là gì? Sự mê muội không có khả năng nhận diện về bản chất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, không chấp nhận sự thật mà ngay cả Chính phủ Mỹ đã từng phải ký kết vào Hiệp định Pari năm 1973. Đó là chưa muốn nhắc tới phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc mà nhà Phật vẫn thường răn dạy các tăng ni, phật tử. Phải chăng điều cấm kỵ thứ ba là si mà các vị không nhận ra hay cố tình không nhận ra?
Cả 3 thứ (tam độc) chẳng phải đều có ở trong các vị đó thôi. Chẳng trách nhiều người khi xem qua video này đã không kìm nén được mà tranh luận, bày tỏ thái độ bức xúc, thậm chí là không tiếc lời chửi bới. Thiết nghĩ tấm áo cà sa vốn là trang phục cho giới tu hành và nó trở thành biểu tượng về sự trong sạch của giới phật tử. Nhưng qua sự việc này, chiếc áo cà sa không còn che đậy được dã tâm, không bao bọc được tam độc đang có trong con người các vị. Thật đáng buồn khi nhân tâm vẫn còn tham, sân, si mà đã vội khoác lên mình chiếc áo cà sa để rồi làm vấy bẩn con đường mà chính các vị đã lựa chọn và đang đi.
Nhớ lại sự kiện năm 1947, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới tăng ni, phật tử cả nước đã dấy lên phong trào “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào”. Tiêu biểu cho phong trào đó là sự kiện 27 nhà sư đã thành lập “Trung đội Phật tử” ngày 27.2.1947 tại chùa Cổ Lễ (Nam Định). 27 nhà sư trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Sự tận hiến của đội quân phật tử Vệ quốc tại chùa Cổ Lễ năm xưa, cùng hàng trăm nhà sư và hàng chục ngôi chùa từng là cơ sở cách mạng trước tháng 8.1945 đã góp phần chứng minh sinh động cho tinh thần tiếp nối truyền thống Phật giáo Việt Nam: Hàng nghìn năm đồng hành và nhập thế cùng dân tộc, chuộng nhân từ, bác ái nhưng cũng vô cùng kiên quyết trong việc loại trừ điều ác.
Thật đáng tự hào khi Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử. Nhưng cũng thật đáng hổ thẹn cho những người đang lầm đường, lạc lối, tưởng rằng khi đã khoác chiếc áo cà sa lên người là trở thành chính quả.
NHẬT MINH