Rừ ngày 15.4.2022, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ được cấp "Hộ chiếu vaccine".
Hiện các hệ thống đã sẵn sàng cho việc triển khai cấp "Hộ chiếu vaccine" cho người dân.
"Hộ chiếu vaccine" mở lối đi cho nền kinh tế
"Hộ chiếu vaccine" được hiểu là một dạng giấy chứng nhận điện tử cho phép những người đã tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) có thể di chuyển giữa các nước. "Hộ chiếu vaccine" cung cấp những thông tin xác thực để chứng minh rằng một người đã được tiêm đủ số mũi vaccine phòng chống COVID-19.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh là việc chưa thể thực hiện ngay, thì việc áp dụng "Hộ chiếu vaccine"được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước gỡ khó và mở lối đi cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thời gian qua.
Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng "Hộ chiếu vaccine" để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Xu hướng chung là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh theo hướng ưu tiên người có "Hộ chiếu vaccine". Các chính sách này có thể là việc mở cửa hoàn toàn, hoặc mở cửa riêng đối với người đã được tiêm chủng đến từ vùng dịch; cho phép người nhập cảnh có "Hộ chiếu vaccine" được hưởng các ưu đãi về các biện pháp kiểm soát y tế, như: giảm thời gian hoặc miễn cách ly tập trung, không cần phải xét nghiệm khi nhập cảnh...
Đối với Việt Nam, sau hơn 2 năm thực hiện phòng, chống COVID-19, đến nay nước ta đã đạt được những thành công nhất định trong chiến lược tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 10/4/2022, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 cả nước đã tiêm là hơn 208,5 triệu liều. Đáng chú ý, từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.
Song song với việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng rộng rãi cho người dân, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo thực hiện triển khai công nhận "Hộ chiếu vaccine". Từ tháng 9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận "Hộ chiếu vaccine". Văn bản nêu rõ, việc công nhận "Hộ chiếu vaccine" lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia trên thế giới để công nhận lẫn nhau về "Hộ chiếu vaccine".
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây trong buổi họp báo chiều ngày 7.4.2022, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết hiện Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận "Hộ chiếu vaccine" lẫn nhau với 19 quốc gia gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Việc công nhận "Hộ chiếu vaccine" lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ được xem là chính sách quan trọng và cần thiết, bởi đây là chìa khoá để mở cánh cửa ra thế giới, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn...
Theo TTXVN