Chính trị

Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng bất tận về cách mạng và văn hóa của nhân loại

PGS-TS NGUYỄN THẾ KỶ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương 02/09/2023 10:30

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới.

00:00

vna_potal_ky_niem_130_nam_ngay_sinh_chu_tich_ho_chi_minh_1951890_-_1952020_dai_doan_ket_toan_dan_toc_-_tu_tuong_nhat_quan_xuyen_suot_cuoc_doi_hoat_don_4683678.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bắt nhịp bài Kết đoàn. Bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp ngày 19/9/1960 (ảnh tư liệu)

Kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại

Ở Người, có sự hội tụ, kết hợp và phát huy đến mức cao nhất, hoàn mỹ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, phương Đông và phương Tây, cổ và kim, trí dũng và nhân văn, vĩ đại và giản dị, khiêm nhường. Người là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người cũng là nguồn cảm hứng chưa bao giờ ngưng nghỉ của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nghệ sĩ ở nhiều loại hình báo chí và nghệ thuật khác nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, gắn bó mật thiết với nhân dân lao động. Quê hương xứ Nghệ của Người, suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, luôn là đất phên dậu, là “thành đồng ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại”. Truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ đến tuổi ấu thơ của Bác, đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức của Bác.

Sau này, vượt trùng khơi tìm đường cứu nước, được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc; gia nhập Đảng Xã hội Pháp và là thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; tiếp xúc, đón nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga; thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng của dân tộc, của quê hương lên tầm cao mới. Đó là chủ nghĩa yêu nước mang nội dung nhân bản sâu sắc; giải phóng dân tộc đi liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; đề cao con người là nhân tố quyết định của lịch sử; cách mạng dân tộc, dân chủ tất yếu phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa; sức mạnh dân tộc phải gắn liền với sức mạnh thời đại. Người đặc biệt coi trọng nhân dân, “dân là gốc”, “là người chủ” của cách mạng, của đất nước, là người tạo nên lịch sử. Tư tưởng yêu nước thương dân, quý trọng con người; chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; đạo đức trong sáng, cao cả, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; phong cách bình dị, gần gũi, khiêm tốn, lão thực… Tất cả những điều ấy là di sản tư tưởng và văn hóa quý giá mà Người để lại cho đất nước, cho nhân dân và cho cả nhân loại.

z4623080698083_32e558b354392a49fd2ab81edb0420e1.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Rung động con tim nhiều quốc gia, dân tộc

Tư tưởng đại đoàn kết, nhân ái, khoan dung, nhân văn của Hồ Chí Minh làm rung động con tim nhiều quốc gia, dân tộc, giai tầng, tôn giáo. Những dòng tên thân yêu “Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ” được quen gọi ở nhiều nước. Trong chuyến thăm hữu nghị Ấn Ðộ lần thứ hai năm 1958, Bác Hồ được các nhà lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ đón tiếp bằng sự hân hoan và kính trọng đặc biệt. Tại cuộc đồng diễn của hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Ðộ chào mừng vị Chủ tịch của Việt Nam, các em đồng thanh hô lớn: "Cha Hồ, Cha Hồ!".

Sinh thời, Chủ tịch Cuba Phi-đen Cát-xtrô ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vinh quang đời đời thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương lớn nhất của người cách mạng vĩ đại ngày càng được khâm phục, ngưỡng mộ và luôn luôn được yêu mến không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn ở các dân tộc khác trên thế giới”. Nhà thơ Cuba Phê-lích Pi-ta Rô-đờ-ri-ghết nhận định: “Trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nông dân ở Việt Nam, ở An-giê-ri, ở Tuy-ni-di, ở Công-gô, người bị áp bức ở quần đảo Ăng-ti-dát hoặc ở “miền Nam già cỗi” của nước Mỹ, đều có một người nhiệt thành bênh vực mình”. Nhà thơ Cuba còn có nhiều bài thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu là hai tác phẩm “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ” và “Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ”.

Nhiều chính khách, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình (Hà Nội) đã cảm phục, dành những lời ca ngợi yêu kính, thân thương đối với Người. Tổng thống An-giê-ri Áp-đun A-zit Bô-ti-phờ-li-ka viết: “Chúng tôi tự hào và đánh giá cao sự khiêm nhường, giản dị, thanh cao của Hồ Chí Minh. Cuộc đời con người vĩ đại này sẽ còn sống mãi, bất diệt trong ký ức của dân tộc mình. Người còn là nguồn hy vọng và ngọn đuốc cho các dân tộc đang đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng, tự do, tiến bộ và thịnh vượng”. Ngài Gien-ni, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Mỹ ca ngợi: “Tuy sống giản dị, nhưng Người đã để lại một tài sản vô giá cho con cháu, cho nhân dân Việt Nam anh hùng và cho nhân dân toàn thế giới đang tha thiết một cuộc sống tốt đẹp hơn: Chủ nghĩa xã hội”. Đại diện Đảng Cộng sản Úc ghi những dòng xúc động: “Như tất cả những nhà cách mạng vĩ đại chân chính, Hồ Chí Minh là xương, thịt của nhân dân. Người sống giản dị, khiêm tốn trong sự vĩ đại, một lòng một dạ cống hiến cho sự nghiệp cao cả: độc lập, tự do cho Việt Nam, con đường cách mạng cho công nhân và nhân dân bị áp bức trên thế giới”...

Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác được dịch ra 35 thứ tiếng trên thế giới, có nước dịch và tái bản nhiều lần. Trong bài thơ "Hồ Chí Minh", nhà thơ An-giê-ri Tra-ba-ni Ac-khơ-mét viết: "Tên của Người đồng nghĩa với danh từ chống đế quốc/ Tên của người cao hơn mây bay/ Tên của Người cao hơn đại bác/ Tiếng nói của Người dội vang đất nước/ Kêu gọi nhân dân cầm vũ khí đứng lên”.

636107297.jpg
Bác Hồ với thiếu nhi (ảnh tư liệu)

Mãi hát về Người

Ở đất nước của Hồ Chí Minh, từ năm 1945 đến nay đã ra đời và lan tỏa hàng chục vạn tác phẩm báo chí, văn, thơ, lý luận, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số… về chủ đề Hồ Chí Minh, hình tượng Bác Hồ, về các tác phẩm báo chí, văn hóa, văn nghệ của Bác. Nếu muốn kể ra một số tác phẩm xuất sắc khắc họa về Người, thì điều ấy quả là không dễ khi nhìn lại những đỉnh cao được lập trong 75 năm qua. Học tập và làm theo lời Bác dạy, trong đời sống báo chí, văn nghệ đã hình thành lớp lớp nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ hăng hái đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh “phò chính, trừ tà”. Nhiều người lăn lộn ở chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu Đông, Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ… Trong số đó có nhiều người đã hy sinh anh dũng như các nhà văn, nhà báo - chiến sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu…

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng ngàn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đến với tiền tuyến lớn và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà, như các nhà báo, nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Phạm Tiến Duật.. Nhiều người đã anh dũng hy sinh như Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định, Chu Cẩm Phong... Những liệt sĩ là đạo diễn, quay phim như Lê Văn Bằng, Lê Viết Thế, Nguyễn Như Dung, Nông Văn Tư...

Về âm nhạc, có thể kể các tác phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Bài ca dâng Bác”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Vào lăng viếng Bác”, “Thăm bến Nhà Rồng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”…

Về mỹ thuật, có thể kể đến họa sĩ Diệp Minh Châu ở Nam Bộ thời kỳ đầu chống Pháp. Sau khi được nghe Bản Tuyên ngôn độc lập của Bác và tốp ca thiếu nhi hát bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của Lưu Hữu Phước, trong cảm xúc dâng trào, người họa sĩ đã lấy dao rạch vào cánh tay mình để lấy máu vẽ chân dung Bác với 3 em bé đại diện cho thiếu nhi Bắc Trung Nam. Bức huyết họa sau đó đã được gửi ra Việt Bắc, dâng lên Bác Hồ kính yêu. Một bức huyết họa khác ra đời gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ của họa sĩ - chiến sĩ Lê Duy Ứng vẽ vào sáng 28.4.1975. Hôm đó, đơn vị của Lê Duy Ứng chỉ cách cửa ngõ Sài Gòn chưa đầy ba mươi cây số thì ông bị thương rất nặng do súng chống tăng của địch làm hỏng cả hai con mắt. Tỉnh dậy vẫn không nhìn thấy gì, nghĩ mình khó qua khỏi, người họa sĩ lần mò lấy giấy, dùng ngón tay làm bút, lấy máu từ vết thương ở mắt của mình làm mực vẽ bức chân dung Bác Hồ trên nền lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng. Bức tranh đặc biệt đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong điện ảnh, tính mấy chục năm gần đây, có các phim tài liệu của đạo diễn Bùi Đình Hạc: “Nguyễn Ái Quốc với Lênin” (1979), “Đường về Tổ quốc” (1980), “Hồ Chí Minh - chân dung một con người” (1990); phim truyện có “Hà Nội mùa đông năm 46” (1997) của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (2003) của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, các phim truyện “Nhìn ra biển cả" (2010), "Vượt qua bến Thượng Hải" (2010), “Thầu Chín ở Xiêm” (2015), “Nhà tiên tri” (2015) của các đạo diễn Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ, Bùi Tuấn Dũng, Vương Đức.

Còn biết bao tác phẩm, câu chuyện ở trong nước và nước ngoài mà ở đó Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng, là hình tượng cao đẹp, là niềm tin, là ánh lửa, là nguồn sức mạnh to lớn để các dân tộc, mọi con người vượt lên gian khổ, gông xiềng, bom đạn để giải phóng dân tộc mình, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vươn tới cuộc sống tự do, dân chủ, công bằng, ấm no, hạnh phúc, được làm một đất nước độc lập, được làm một con người giản dị, nhân văn và chân chính.

PGS-TS NGUYỄN THẾ KỶ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng bất tận về cách mạng và văn hóa của nhân loại